TextBody

Nghiên cứu đặc điểm huyết học cá hồng mỹ nuôi lồng bè tại Hà Tĩnh trong điều kiện dinh dưỡng, môi trường tự nhiên và nhân tạo

14/04/2025

Chiều ngày ngày 11 tháng 4, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp Trung tâm “Nghiên cứu đặc điểm huyết học cá hồng mỹ Sciaenops ocellatus nuôi lồng bè tại Hà Tĩnh trong điều kiện dinh dưỡng, môi trường tự nhiên và nhân tạo”. Đề tài do Viện Sinh thái nhiệt đới chủ trì, đồng chí Đại úy, Tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết làm chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Trong bối cảnh dân số thế giới dự kiến chạm mốc 9 tỷ người vào năm 2050, nuôi trồng thủy sản ngày càng giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Trong đó, cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) là một đối tượng nuôi quan trọng, giàu protein, vitamin, selen và iốt - những vi chất dinh dưỡng mà thịt gia súc, gia cầm hay thực vật không thể thay thế.

Cá hồng mỹ - Sciaenops ocellatus.

Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, cá hồng mỹ còn đặc biệt nhạy cảm với biến động môi trường và ô nhiễm hóa chất, trở thành một chỉ thị sinh học tiềm năng. Các chỉ số huyết học của loài này phản ánh rõ rệt tình trạng sức khỏe và điều kiện sống, từ đó cung cấp cơ sở khoa học để đánh giá tác động của môi trường tự nhiên, dinh dưỡng và các yếu tố sinh học khác.

Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu do Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện tại Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020 cho thấy cá hồng mỹ thể hiện rõ sự nhạy cảm với môi trường hơn hẳn so với gần 30 loài cá khác. Nhiều trường hợp rối loạn hồng cầu đã được ghi nhận. Trong khi đó, diện tích nuôi cá hồng mỹ tại các vùng biển phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng đang dần bị thu hẹp mà nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ trong hơn một thập kỷ qua.

Từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu đặc điểm huyết học của cá hồng mỹ nuôi lồng tại Hà Tĩnh không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn có giá trị ứng dụng thiết thực, góp phần theo dõi sức khỏe đàn cá, cảnh báo sớm các rủi ro môi trường và hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.

Mục tiêu của đề tài là đánh giá ảnh hưởng của điều kiện môi trường, chế độ dinh dưỡng tổng hợp và tự nhiên đến đặc điểm huyết học của cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) nuôi lồng bè tại Hà Tĩnh. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bổ sung kiến thức cơ bản về sinh học loài, đồng thời mở rộng hiểu biết về tác động của môi trường và dinh dưỡng đến sức khỏe cá nuôi. Đây là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hỗ trợ công tác bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học, cũng như định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực thủy sản và sinh thái môi trường.

Hình ảnh: Địa diểm thực hiện thí nghiệm nuôi cá hồng mỹ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Chú thích: chấm đỏ: 2022 và 2023 (T1); chấm tím: 2022 (T2); chấm xanh: 2023 (T2).

Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đỗ Hữu Quyết đã trình bày tóm tắt quá trình triển khai và các kết quả chính của đề tài. Theo đó, môi trường nước tại khu vực Cửa Khẩu, xã Kỳ Ninh (Hà Tĩnh), trong các đợt khảo sát vào tháng 3-4/2022 và 3-4/2023 được đánh giá là phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, với các chỉ tiêu kim loại nặng đều thấp hơn đáng kể so với ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) cho thấy khả năng thích nghi kém trong điều kiện giảm độ mặn ~5‰/ngày, từ 26‰ về dưới 1‰ sau 5 ngày, tỷ lệ chết sau 20-25 ngày thả nuôi có thể từ 40 đến trên 50%.

TS. Đỗ Hữu Quyết báo cáo kết quả nghiên cứu tại buổi nghiệm thu.

Nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều dạng rối loạn hình thái hồng cầu ở cá, chủ yếu liên quan đến biến đổi cấu trúc màng và nhân tế bào như: hồng cầu dạng amip, hình thoi, giọt nước, mũi mác, nhân thùy, nhân đôi... Các rối loạn này xuất hiện rõ rệt ở nhóm cá sử dụng thức ăn thương mại trong môi trường nước mặn, cho thấy huyết học là công cụ nhạy để đánh giá sức khỏe và khả năng thích nghi của cá.

Bên cạnh yếu tố môi trường, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến các chỉ số huyết học và sinh hóa của cá. Cụ thể, hàm lượng glucose trong máu cá có sự dao động lớn: nhóm cá dùng thức ăn thương mại dao động từ 1,9-13,9 mmol/L, trong khi nhóm ăn tự nhiên biến động từ 3,7-22,3 mmol/L. Điều này cho thấy thức ăn thương mại cung cấp nguồn carbohydrate ổn định hơn, hỗ trợ tích lũy glycogen và tăng trưởng tốt hơn so với thức ăn tự nhiên.

Ngoài ra, nồng độ creatinine trong máu giảm mạnh sau 10 ngày ở cả hai nhóm, phản ánh quá trình thích nghi dần với môi trường sau giai đoạn stress ban đầu. Các chỉ số urea, AST và ALT duy trì ổn định trong suốt quá trình thí nghiệm, cho thấy không có tổn thương gan thận. Trong khi đó, triglyceride có xu hướng giảm dần ở nhóm ăn tự nhiên, còn ở nhóm ăn thương mại tăng vào ngày thứ 20 rồi giảm về cuối. Sự khác biệt này phản ánh khả năng lưu trữ lipid tốt hơn ở nhóm cá được cung cấp khẩu phần giàu dinh dưỡng.

Những kết quả trên không chỉ góp phần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa môi trường, dinh dưỡng và sức khỏe cá hồng mỹ, mà còn cung cấp cơ sở khoa học hữu ích trong việc xây dựng mô hình nuôi trồng hiệu quả và bền vững.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong 02 bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục SCIE/Scopus và 01 bài báo trên tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá.

Sau phần trình bày kết quả nghiên cứu, Hội đồng đã đặt câu hỏi liên quan đến phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như các yếu tố môi trường trong suốt quá trình thí nghiệm. Hội đồng cũng đóng góp ý kiến và đưa ra các đề xuất để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, góp phần giúp kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn trong thực tiễn nuôi trồng thủy sản.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá.

Kết thúc buổi làm việc, Hội đồng đánh giá cao tính khoa học và tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, đặc biệt là việc sử dụng huyết học như một công cụ đánh giá sức khỏe và khả năng thích nghi của cá hồng mỹ. Đề tài đã được thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao từ nhóm nghiên cứu, hoàn thành đầy đủ các nội dung theo kế hoạch, một số nội dung vượt chỉ tiêu ban đầu, đáp ứng mục tiêu đề ra và đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài với kết quả “Đạt” và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng kết cùng các hồ sơ liên quan để trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt theo quy định.