Nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết của loài Camellia sasanqua
27/04/2022Việc nghiên cứu, phát hiện các hợp chất mới có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên nhằm phục vụ cuộc sống của con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà khoa học. Theo xu hướng này, TS. Nguyễn Thị Cúc và nhóm nghiên cứu Viện Hóa sinh biển đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng hạ đường huyết của loài Camellia sasanqua” (Mã số: GUST.STS.ĐT2018-HH01) với mục tiêu đánh giá, sàng lọc để tìm kiếm các hoạt chất có khả năng hạ đường huyết từ loài Sơn trà Camelia sasanqua.
Loài Sơn trà Camellia sasanqua.
Chi Trà (Camellia) là một chi thực vật có hoa thuộc họ Chè (Theaceae), có nguồn gốc ở khu vực miền đông và miền nam châu Á. Trên thế giới có khoảng 280 loài, ở Việt Nam, hiện đã biết 68 loài trong đó có tới 15 loài đặc hữu. Các loài trong chi Trà có tiềm năng lớn về các chất có hoạt tính sinh học như: tác dụng hạ đường huyết, hoạt tính gây độc tế bào, hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng viêm... Tuy nhiên, ở Việt Nam, loài này mới chỉ có một vài nghiên cứu sơ bộ về thành phần. Do vậy, việc điều tra, nghiên cứu, đánh giá về thành phần hóa học và sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học tiềm năng từ loài Camellia sasanqua sẽ có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao.
Tiểu đường đang là căn bệnh có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Bệnh tiểu đường thường gây ra những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng cấp tính của bệnh này có thể là hôn mê do tăng đường huyết, hạ đường huyết và tăng keto-axit máu. Các biến chứng lâu dài do bệnh tiểu đường gây ra gồm có các tổn thương thần kinh, tim mạch, thị giác, nguy cơ nhiễm trùng. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu quá cao lâu ngày gây thương tổn các mạch máu nhỏ với hậu quả là mù mắt, suy thận, đồng thời thúc đẩy xơ mỡ động mạch (atherosclerosis) làm hẹp các động mạch lớn gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...
Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu lá C. sasanqua tại Nguyên Bình, Cao Bằng, Việt Nam vào tháng 4/2019. Nhóm nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp sắc ký và các phương pháp phổ hiện đại đã phân lập và xác định cấu trúc của 13 hợp chất (CS1-CS13) từ loài C. sasanqua. Trong số các hợp chất phân lập được có 3 hợp chất mới là: Sasastilboside A (CS1), Sasastilboside B (CS2), Sasastilboside C (CS3). Mười hợp chất đã biết: 3,5- dihydroxydihydrostilbene 4′-O-β-D- glucopyranoside (CS4), 5,4′- dihydroxydihydrostilbene 3-O-β-D- glucopyranoside (CS5), 3,5- dimethoxydihydrostilbene 4′-O-α-L- rhamnopyranosyl-(1→6)-β-D-glucopyranoside (CS6), rehmaionoside A (CS7), kaempferol 3-O -β-D-glucopyranoside (CS8), quercitrin (CS9), rutin (CS10), nicotiflorin (CS11), catechin (CS12) và nudiposide (CS13).
Tất cả các hợp chất phân lập được từ loài C. sasanqua được đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase và α-amylase. Kết quả cho thấy: hợp chất CS3, CS8 và CS12 có hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase với giá trị IC50 lần lượt là 77.62 ± 1.58, 123.03 ± 2.08 và 72.44 ± 1.34 μM. Hợp chất CS1 có hoạt tính ức chế enzym α-amylase với giá trị IC50 là 53.70 ±1.57 μM. Lần đầu tiên các hợp chất phân lập được từ loài C. sasanqua được đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase và α-amylase. Ba hợp chất CS3, CS8 và CS12 có hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase với giá trị IC50 lần lượt là 77.62 ± 1.58, 123.03 ± 2.08 và 72.44 ± 1.34 μM. Hợp chất CS1 có hoạt tính ức chế enzym α- amylase với giá trị IC50 là 53.70 ± 1.57 μM. Hai hợp chất CS3 và CS12 có hoạt tính tốt có thể đưa vào nguồn dữ liệu các hợp chất tiềm năng có tác dụng hạ đường huyết.
Sơ đồ phân lập các hợp chất từ loài Csasanqua.
Nguồn: P.A.T (https://www.vista.gov.vn).
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ