Nhân giống Sa mu dầu tại vườn ươm, kết quả và triển vọng

26/10/2022

Sự nảy mầm của hạt và sự tồn tại của cây con trong các sinh cảnh rừng là rất quan trọng đối với quá trình tái sinh tự nhiên, nhân giống cây trồng và phát tán hạt giống. Nhiều hạt được tạo ra và phân tán, nhưng đại đa số chúng không nảy mầm hoặc không tồn tại sau khi nảy mầm. Tỷ lệ chết của hạt và cây con có liên quan đến khả năng tái sinh tự nhiên của loài. Nó cũng liên quan đến việc xác định di truyền của các cá thể trong tương lai. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự nảy mầm của hạt, sự phát triển của cây con và tỷ lệ sống sót đều bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, tất cả đều được coi là đặc trưng của loài. Nhiều loại cây được xác định là cây phát triển nhanh và cho năng suất cao, trong khi nhiều cây hạt có vỏ cứng và chống chịu khiến chúng không thể nảy mầm trong điều kiện bình thường. Do đó, các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự nảy mầm, tỷ lệ sống và sự phát triển của cây con đối với một loài thực vật cụ thể là rất quan trọng.

Trong khuôn khổ đề tài cấp Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, chủ nhiệm đề tài là đồng chí Trung tá Phạm Mai Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới), các kết quả nhân giống và sinh trưởng của loài Sa mu dầu ở giai đoạn vườn ươm đã được đánh giá. Sa mu dầu (Cunninghamia konishii) là loài cây gỗ quý, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Loài này mọc tự nhiên ở độ cao 1200-1600 m so với mực nước biển trên núi cao nhiều mùn, sống chung với các loài khác như Fokienia hodginsii, Amentotaxus argotaenia and Podocarpus spp… và là một trong số các loài tái sinh kém; tình hình phát triển Cunninghamia konishii ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng cả về cá thể và quần thể.

Một vài hình ảnh hoạt động phối hợp trong điều tra giám sát quần thể Sa mu dầu giữa các cán bộ TTNĐVN và KBTTN Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự)

Dưới sự trợ giúp của Ban Quản lý KBTTN Pù Hoạt, Rừng phòng hộ Hoàng Su Phì, KBTTN Xuân Liên, hạt giống được thu từ các cây trội trong rừng tự nhiên. Các vật liệu chính sử dụng trong nghiên cứu gồm dung dịch thuốc tím KMnO4 0,1%; đất vườn ươm được lấy tại tầng mặt; phân chuồng hoai và phân supe lân theo các tỷ lệ khác nhau. Nhân giống hữu tính cho loài đã được thực hiện trong giai đoạn từ 2021-2022, là hình thức gieo hạt để được thế hệ sau với các cây con sinh trưởng và phát triển từ hạt có tính thích ứng mạnh, thích hợp với việc trồng hàng loạt đáp ứng nhu cầu cải thiện nguồn gen. Đây là giải pháp tích cực nhằm phục vụ cho bảo tồn và mở rộng qui mô trồng rừng, khôi phục lại nguồn tài nguyên quí hiếm. Mặc dù đã có một số nghiên cứu nhân giống từ hạt loài Sa mu dầu ở nước ta, các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra tỷ lệ nảy mầm không cao.

Cây Sa mu dầu trưởng thành (A), cành mang nón tươi (B), nón khô (C), hạt Sa mu dầu (D). (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).

Kết quả xác định độ thuần trung bình của 3 mẫu hạt cây Sa mu dầu được kiểm nghiệm là 70,03%. Kết quả trong nghiên cứu này cũng tương tự như loài Pinus tropicalis sản lượng hạt đặc trưng là 40 671 ± 272 hạt/kg với 60,5% ± 1,0% hạt khỏe, 7,2% ± 0,4% hạt rỗng.

Nón khô (A), hạt lép (B) và hạt chắc (C) của loài Sa mu dầu. (Ảnh: Hoàng Thị Thu Trang, Vũ Đình Duy)

Tỷ lệ nảy mầm của hạt Sa mu dầu trong các công thức đạt thấp chỉ từ 7,33 đến 30,33%. Trong đó hạt được xử lý bởi nhiệt độ 60oC cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Sau 50 ngày số hạt nảy mầm và thành cây con đạt giảm xuống. Đã có một số nghiên cứu về sự nảy mầm của hạt Sa mu đầu. Đa số đều cho rằng sự nảy mầm được cải thiện bằng cách xử lý hạt giống trước khi gieo được ngâm trong thuốc tím (KMnO4), nồng độ 0,05% trong 10 phút, sau đó vớt ra rửa sạch và ngâm hạt trong nước thường 1 - 2 giờ, gieo hạt trên giá thể cát vàng pha ít đất, sau đó phủ kín hạt bằng 1 lớp đất mỏng, dùng rơm che phủ mặt luống, bên trên dùng giàn che bằng lưới đen để che nắng. Hàng ngày tưới nước đều để duy trì độ ẩm cần thiết.

Cây non 20 ngày và 90 ngày tuổi. Nguồn giống: Hoàng Su Phì - Hà Giang và KBTTN Pù Hoạt - Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Thị Thu Trang, Vũ Đình Duy)

Kết quả theo dõi về tỷ lệ sống, phẩm chất và các chỉ tiêu sinh trưởng của cây non ở giai đoạn 4 tháng tuổi cho thấy sinh trưởng về đường kính và chiều cao của cây có sự khác biệt rõ rệt giữa các công thức thí nghiệm. Trong đó hỗn hợp ruột bầu CT2 (88% đất vườn ươm + 10% phân chuồng hoai + 2% supe lân) cho kết quả sinh trường đường kính và chiều cao tốt nhất. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ phân chuồng hoai cao trong thành phần ruột bầu thì có ảnh hưởng đến sinh trưởng về chiều cao và đường kính cây con. Điều này cũng thể hiện khá rõ trong nghiên cứu này.

Cây non 120 ngày tuổi. (Ảnh: Phạm Mai Phương và cộng sự).

Theo dõi chỉ tiêu sinh trưởng của cây con Sa mu dầu 4 tháng tuổi ở các công thức che sáng khác nhau cho thấy chiều cao cây đạt giá trị cao nhất ở công thức che sáng 25%. Khi được che bóng, tăng trưởng chiều cao của cây diễn ra nhanh, nhưng đường kính nhỏ, sức sống yếu và thường bị đổ ngã khi gặp gió lớn. Trái lại, khi gặp điều kiện chiếu sáng mạnh, tăng trưởng chiều cao của cây gỗ non diễn ra chậm, nhưng đường kính lớn, thân cây cứng và nhiều cành. Nói chung, việc che bóng (phù hợp) giúp cây con tránh đươc những tác động cực đoan của môi trường, làm giảm khả năng thoát hơi nước, đồng thời làm giảm nhiệt độ của cây và của hỗn hợp ruột bầu. Sự sống sót ban đầu của cây con ở điều kiện trồng rừng cũng phụ thuộc vào việc điều chỉnh ánh sáng trong giai đoạn vườn ươm. Những cây con sinh trưởng với cường độ ánh sáng thấp sẽ hình thành các lá chịu bóng. Nếu bất ngờ đưa chúng ra ngoài ánh sáng và kèm theo điều kiện ẩm độ, nhiệt độ thay đổi, chúng sẽ bị ức chế bởi ánh sáng mạnh. Điều này có thể làm cho cây con bị tử vong hoặc giảm tăng trưởng cho đến khi các lá chịu bóng được thay thế bằng các lá ưa sáng.

Bản đồ hiện trạng và đề xuất vùng sinh thái thích nghi tiềm năng cho quần thể loài Sa mu dầu huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. (Nguồn: Đề tài cấp TTNĐVN). Vùng mầu đỏ được đánh giá là vùng sinh thái tối ưu nhất về tiềm năng đất đai và khí hậu cho loài Sa mu dầu tại địa phương.

Buổi đánh giá của Tổ chuyên gia tại Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội. Nguồn giống cây trội: KBTTN Pù Hoạt - tỉnh Nghệ An, KBTTN Xuân Liên - Thanh Hoá, RPH Hoàng Su Phì - Hà Giang. (Ảnh: Phạm Mai Phương)

Mục đích của nghiên cứu này là cung cấp thông tin thông qua các thí nghiệm sinh lý cây con trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, kết quả của nghiên cứu là thông tin quan trọng phục vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen loài này tại các vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam, nhằm cung cấp một số thông tin cơ bản về các khía cạnh quản lý trong giai đoạn vườn ươm, cũng là cơ sở xúc tiến triển khai đưa cây giống vào môi trường tự nhiên.

Nguồn tài liệu

Đặng Ngọc Huyền, Hoàng Thị Thu Trang, Vũ Đình Duy, Nguyễn Văn Sinh, Phạm Thị Lý, Đỗ Thị Tuyến, Phạm Mai Phương. 2022. A research on seed propagation of Cunninghamia konishii Hayata at the nursery. Tạp chí Khoa học và công nghệ nhiệt đới (ISSN: 0866 -7535), 25, 8/2022.

Tin bài: Phạm Mai Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới)