TextBody

Nhiều dịch bệnh trên động vật mới nổi lưu hành khắp Đông Nam Á

21/05/2024

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Viện Chăn nuôi Quốc tế và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, nhiều dịch bệnh trên động vật mới nổi đã lưu hành khắp Đông Nam Á, trong đó có một số bệnh liên quan đến gà chủ yếu có ở Việt Nam và Campuchia.

Bệnh trên gà nuôi chủ yếu do vi khuẩn gây ra. Nguồn: Báo Bắc Ninh.

Thực tế đã cho thấy, nhiều đại dịch và những bùng phát bệnh truyền nhiễm mới nổi như Zika, Nipah, đậu mùa và các mầm bệnh kháng kháng sinh, đặc biệt là các bệnh từ động vật mới nổi, tiếp tục xuất hiện và có thể gia tăng ở Đông Nam Á. Thêm vào đó, sự truyền nhiễm có liên quan đến những thay đổi về môi trường và hành vi của con người. Để hiểu được nguy cơ dịch bệnh ở Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu đã tổng quan tài liệu về các bệnh từ động vật trong suốt 11 năm từ 2011 đến năm 2022 ở Đông Nam Á, qua đó đưa ra những đề xuất để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh. 

Trong thời kỳ này, các nghiên cứu chủ yếu tập trung về bệnh trên lợn (26 nghiên cứu), gà (6), động vật nhai lại (21), lây truyền động vật sang động vật đồng hành (28) và động vật hoang dã (25). Cụ thể, bệnh trên lợn liên quan đến vi khuẩn (ví dụ Campylobacter gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột), virus (ví dụ Japanese encephalitis gây bệnh viêm não Nhật Bản), ký sinh trùng; bệnh trên gà chủ yếu do vi khuẩn, ví dụ Campylobacter, và một số mầm bệnh Salmonella, Streptococcus suis, Echinostome và Opisthorchis viverrine; bệnh trên động vật nhai lại chủ yếu do Campylobacter, sốt Q, brucellosis, enterohaemorrhagic E. coli, listeriosis, bovine tuberculosis, chlamydiosis…; bệnh lây truyền động vật sang động vật đồng hành như mèo với chó, trong đó có bệnh dại, tụ huyết trùng ở gia cầm, sốt Q, giun đũa, giun móc…

Qua phân tích, họ nhận diện được một số bệnh đáng quan tâm. Thứ nhất là bệnh dại, vốn là bệnh nan y và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh từ động vật. Căn bệnh này chủ yếu là từ chó mắc bệnh lây cho người, tuy nhiên cũng có thể lây qua mèo, động vật hoang dã như chồn… Thứ hai là virus Nipah, mầm bệnh mới nổi từ họ Paramyxoviridae, lưu hành chủ yếu ở dơi pteropid thuộc chi dơi quạ, gây ra bệnh với các triệu chứng lâm sàng ở người như sốt, viêm não, khó thở, thở tắc nghẽn mãn tính và có thể chết. 

Động vật hoang dã cũng là một nguồn lây nhiễm đáng chú ý các bệnh truyền nhiễm sang người. Một số thay đổi về môi trường đã tác động đến hiện tượng nhảy loài (spillover) virus sang người từ động vật hoang dã, bao gồm: các loài đang bị suy giảm trên quy mô toàn cầu do bị săn bắt quá mức và mất nơi cư trú sẽ có thể chuyển nhiều virus sang người hơn; săn bắt và buôn bán các loài hoang dã tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho nhảy loài; suy giảm nơi cư trú với động vật có vú hoang dã, do phá rừng, chuyển đổi sang trồng trọt sẽ làm gia tăng sự phân bố bệnh và tăng tương tác động vật - người.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu lưu ý là vẫn còn rất ít các nghiên cứu về bệnh trên lợn ở Đông Nam Á, một phần có thể là do chỉ có một vài tạp chí về bệnh thú y của khu vực và chưa được chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu. Và vẫn còn thiếu những nghiên cứu đánh giá sự phân bố của các bệnh lưu hành trên động vật hoang dã cũng như vật nuôi. Điều này đáng lưu tâm bởi khái niệm One Health (Một sức khỏe) đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế về kiểm soát các bệnh từ động vật, nhấn mạnh vào hiểu biết và tiếp cận liên ngành và đa lĩnh vực trong kiểm soát, loại trừ các mối nguy về bệnh truyền nhiễm. Do đó, cần có thêm nghiên cứu dịch tễ học sử dụng cách tiếp cận One Health để giảm thiểu những khoảng trống về việc giám sát bệnh và các hệ thống báo cáo cũng như hỗ trợ ngăn ngừa, giảm thiểu các cơn bùng phát bệnh.

Các kết quả được trình bày trong bài báo “Emerging zoonotic diseases in Southeast Asia in the period 2011-2022: a systematic literature review” (Các bệnh từ động vật mới nổi ở Đông Nam Á trong thời kỳ 2011-2022: một tổng quan tài liệu có hệ thống), được xuất bản trên tạp chí Veterinary Quarterly.

Nguồn: Anh Vũ 

https://tiasang.com.vn/tin-tuc/nhieu-dich-benh-tren-dong-vat-moi-noi-luu-hanh-khap-dong-nam-a/