TextBody

Những lưu ý về hình thái, phân bố và sinh thái học của Hải quỳ Phyllodiscus semoni (anthozoa: actiniaria: aliciidae)

25/06/2024

Phyllodiscus semoni Kwietniewski, 1897 là một trong những loài hải quỳ rất đặc biệt, chúng hiếm khi được cả thợ lặn hay những nhà nghiên cứu bảo tàng bắt gặp. Cấu trúc giải phẫu của nó đã được cáс nhà khoa học mô tả khá rõ ràng nhưng thông tin về hành vi, sự phân bố địa lý của nó lại khá hạn chế. Sở dĩ như vậy vì loài này thường khó nhận ra dưới đáy biển, chúng có khả năng bắt chước ngoại hình của đại diện các nhóm sinh vật khác. Hải quỳ Phyllodiscus semoni được chứng minh là có chứa nọc độc và đã từng gây chết người cho một ngư dân Philippines do bị bỏng. Loài này được báo cáo là phân bố rộng rãi ở vùng biển nhiệt đới nhưng trước đây chưa từng được ghi nhận ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Lý do khiến ghi nhận phân bố của loài này bị hạn chế ở chỗ chúng thường không mở rộng các xúc tu của mình vào ban ngày, và trong quá trình lặn khảo sát, làm việc, không được các thợ lặn hay các nhà nghiên cứu coi là hải quỳ.

Trong các chuyến nghiên cứu khảo sát các vùng biển Việt Nam của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vào các năm 2017 và 2021, các nhà nghiên cứu khoa học đã chụp ảnh và thu được 8 mẫu vật hải quỳ Phyllodiscus semoni phục vụ nghiên cứu chi tiết.

Hình thái học. Ở trạng thái sinh sống bình thường ban ngày, loài hải quỳ này có cơ thể dạng đĩa dẹt. Khi bị xáo trộn hoặc vận chuyển trong bể cá, chúng có hình dạng hình trụ cao hơn. Sau khi cố định, chúng co lại rất nhiều nhưng vẫn mềm mại, không có hình dạng nhất định và được bao phủ bởi rất nhiều các xúc tu phân nhánh mỏng. Một đặc điểm đáng chú ý về ngoại hình của loài hải quỳ này là sự hiện diện của những bong bóng tròn với kích thước khác nhau và nằm rải rác giữa các nhánh giả. Phần chân hay đĩa đạp khá hẹp, mỏng, cong, dễ dàng mở thành các thùy có thể bao lấy san hô chết hoặc các phần nền nhô ra khác (Hình 1E, 2D). Phần dưới của trụ cách xa đĩa đạp; ở phía xa, toàn bộ bề mặt của các trụ được bao phủ bởi rất nhiều xúc tu giả (Hình 1E). Sự thay đổi hình dạng của hải quỳ phụ thuộc vào chuyển động của những xúc tu giả này thông qua các dải cơ dọc của mạc treo (Hình 1I, 1F, 1C). Phần phía xa của các trụ, chỏm, rất ngắn, không có các xúc tu mà là các cơ dọc ngoài bì. Đĩa miệng nhỏ hơn nhiều so với đĩa đệm. Mười hai cặp mạc treo lớn nhất tạo thành vòng lục giác thức nhất và thứ hai (các chấm đen trong Hình 2A). Ít nhất hai vòng này gắn liền với hầu họng và trở thành mạc treo hoàn hảo. Mười hai cặp (chấm trắng trong hình 2A) tiến tới đĩa miệng và tạo thành vòng thứ ba, cũng là vòng lục phân đều. Chỉ có một xúc tu được liên kết rõ ràng với nội bào của các cặp mạc treo của ba vòng trước này, giống như ở hầu hết các loài Hải quỳ đáy (ngoại trừ Stichodactylidae, Actinodendridae, Thalassianthidae, Capneidae, Homostichanthidae và Liponematidae). Các xúc tu của vòng tiếp theo, thứ tư và thứ năm được đánh dấu bằng các chấm màu đỏ trong Hình 2A. Các xúc tu tạo thành 5 vòng (6 + 6 + 12 + 24 + ? 48).

Hình 1. Phyllodiscus semoni, hình dáng chung của polyp sống, trong bể cá trên tàu nghiên cứu (A, C, D, F, I) và trên biển (B, E, G, H, J, K, L). A, D, đĩa miệng và siphonoglyph của một trong hai polyp được thu thập và chụp ảnh chung, đảo Hòn Tre, độ sâu 5 m; B, E, H, polyp thu từ Hòn Tre ở độ sâu 3 m; I, F, C, các giai đoạn lan rộng lần lượt (I→F→C), tỉnh Khánh Hòa, đảo Hòn Tre, độ sâu 5–6 m; J, polyp đáy, đảo Thuyền Chài, sâu 29 m; K, polyp ở đáy, rạn san hô Song Tử Tây, độ sâu 29 m; G, L, polyp ở phía dưới (L) và phần phóng to của nó (G), đảo Hòn Tre, độ sâu 3–4 m. Chữ viết tắt: siph – siphonoglyph. Ảnh của S.D. Grebelnyi (B, E, H). Thước tỷ lệ: 6 cm (H), 18 cm (J).

 

Hình 2. Phyllodiscus semoni, đĩa miệng của cá thể sống (A) và mẫu vật được bảo quản (B–D), Hòn Tre, độ sâu 3–4 m. A, sự sắp xếp các xúc tu từ chu kỳ 1 đến chu kỳ 5 trên đĩa miệng; B, D, polyp trong cồn 70°, nhìn từ phía miệng (B) và từ bàn chân, hoặc đĩa đạp (D); C, cùng một mẫu cố định; thành trụ và hầu họng được mổ xẻ để thể hiện cấu trúc bên trong của hải quỳ. Chữ viết tắt: g – tuyến sinh dục; mf - sợi mạc treo; ph - hầu họng với phần gồ lớn có thành mỏng; siph – siphonoglyph. Ảnh của N.Yu. Ivanova (B–D). Thanh tỷ lệ: 1 cm (C), 6 cm (D).

Nhận xét. Việc xác định số lượng xúc tu ở vòng thứ 5 bằng mắt thường gặp khó khăn ngay cả khi tiến hành giải phẫu. Chỉ có 5 vòng xúc tu được ghi nhận, dù đã có những tác giả báo cáo có đến 6 vòng xúc tu (Carlgren, 1949; Crowther 2013) và được ghi nhận có đến 160 hay 200 xúc tu. Trong các bức ảnh của chúng tôi, biểu mô ngoài biểu hiện sự dày lên rõ rệt, dường như được hình thành do sự tích tụ của các tuyến trùng. Phần dày lên này có thể phân biệt rõ ràng ở các cá thể sống (Hình 1B) và đặc biệt nổi bật trên các xúc tu bị thu nhỏ của các mẫu vật cố định (Hình 2B và C). Ngược lại với những quan sát của Carlgren (1949), những bức ảnh của chúng tôi cho thấy rõ ràng sự hiện diện của chỉ một siphonoglyph (một rãnh có lông, kéo dài tạo thành yết hầu) (Hình 1D, 2C) chứ không phải hai. Điều này có thể ủng hộ quan điểm nói về sự hiện diện của hoạt động sinh sản vô tính từng được Crowther báo cáo năm 2013, trong đó thường chỉ giữ lại một siphonoglyph do sự phân chia theo chiều dọc của polyp. Carlgren cũng đã chỉ ra rằng chỉ có sáu cặp mạc treo hoàn hảo; tuy nhiên, các bức ảnh của chúng tôi cho thấy có ít nhất hai vòng mạc treo cũ hơn gắn vào phần trên của hầu họng (Hình 1A, D và 2A).

Phân bố. Loài Phyllodiscus semoni trong một số trường hợp đã bị xác định không phải thuộc hải quỳ nên việc định loại chúng và ghi nhận về phân bố chưa chính xác. Báo cáo đầu tiên về sự hiện diện của Phyllodiscus semoni ở vùng nước nông của lục địa Việt Nam được công bố bởi Hansen & Halstead (1971), họ đã thảo luận về những tác động bất lợi khi tiếp xúc với loài hải quỳ có nọc độc này. Vào thời điểm đó, nó bị xác định nhầm là Actinodendron plumosum Haddon, 1898. Tất nhiên, Phyllodiscus semoni cũng đã được ghi nhận phân bố ở nhiều vùng nước khác trên thế giới như Biển Ả Rập, Laccadive, Maldives, Java, phía đông đảo Palawan (Philippines), Biển Hoa Đông (Nhật Bản), Biển Molucca (Quần đảo Maluku) và một số nơi khác.

Trong nghiên cứu này, đã ghi nhận thêm ở Vịnh Cam Ranh (độ sâu 7 m), đảo Hòn Tre, đảo Hòn Lớn (Nha Trang, độ sâu từ 2,5 - 6 m), đảo Đá Nam (độ sâu 29 m), đảo Đá Lớn (13 m), Nam Yết (12 m), Thuyền Chài (29 m) (quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Việc ghi nhận sự hiện diện của loài hải quỳ này tại một số vùng biển Việt Nam đã mở rộng phạm vi phân bố của chúng cũng như cho thấy tiềm năng nghiên cứu đa dạng sinh học biển của Việt Nam còn rất tiềm năng.

Nguồn tư liệu: 
Grebelnyi, S. D., Ivanova, N. Y., & Quyet Do Huu (2023). Notes on the morphology, distribution and bionomics of Phyllodiscus semoni (Anthozoa: Actiniaria: Aliciidae). Zoosystematica Rossica, 32(2), 331–341. https://doi.org/10.31610/zsr/2023.32.2.331.

Tin bài: Đỗ Hữu Quyết (Viện STNĐ)