Nơi hai trái tim Việt - Xô, Việt - Nga hòa cùng nhịp đập (kỳ 2)
06/09/2024Kỳ 2: “Ngôi nhà chung” có một không hai (Tiếp theo và hết)
Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt-Nga là “ngôi nhà chung” có một không hai của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang (LB) Nga ngày nay.
Tại “ngôi nhà chung” này, các cán bộ, nhân viên Việt Nam và Nga luôn giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau cả về chuyên môn và trong cuộc sống. Tại cuộc giao lưu nghệ thuật “Việt-Nga một thời và mãi mãi” nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga hồi năm 2017, ông Andrey Kuznetsov, Tổng giám đốc phía Nga của TTNĐ Việt-Nga khẳng định: “Sau thời gian dài gắn bó vì sự nghiệp chung, một sự nghiệp mà chúng tôi kiên trì theo đuổi, chúng tôi không chỉ là những đồng nghiệp, ở đây chúng tôi là một gia đình. Và khi đã là một gia đình thì đủ mọi quan hệ trong đó: Có anh, có em, có thầy, có trò. Đúng là rất đáng ngạc nhiên có tình đồng chí, có sự cảm thông, có giúp đỡ nhau và học hỏi lẫn nhau. Tôi học được ở các bạn Việt Nam rất nhiều thứ, còn các bạn Việt Nam chắc rằng cũng học ở chúng tôi nhiều điều. Bởi vậy, tôi cho rằng TTNĐ Việt-Nga là một gia đình có một không hai của các nhà khoa học và chuyên gia Nga cũng như Việt Nam”.
Nói về sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga đối với cán bộ Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư, nguyên Tổng giám đốc phía Việt Nam của TTNĐ Việt-Nga cho biết: “Trước hết, đó là sự giúp đỡ về chuyên môn. Các chuyên gia Nga sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức và phương pháp, kể cả chia sẻ về bí quyết công nghệ đối với chúng ta. Đây là một điều kiện rất thuận lợi để TTNĐ Việt-Nga xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học. Đây là một yếu tố rất quan trọng, góp phần vào thành công trong hoạt động của TTNĐ Việt-Nga trong thời gian vừa qua. Cùng với sự giúp đỡ về chuyên môn, chúng ta còn được phía Nga chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt là sự đầu tư trang thiết bị hiện đại từ phía Nga để tăng cường năng lực cho phía Việt Nam trong việc nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng trong thực tiễn đã đưa đến những kết quả hết sức quan trọng”.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga ngày 7-7-2020.
Nhiều chuyên gia Nga sang làm việc ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập trung tâm đến nay cũng đã hơn hoặc gần 30 năm. Cùng với gia đình của mình, họ đã sống và làm việc ở Việt Nam, đem hết tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp chung, vì lợi ích hai nước. Họ đã hoàn toàn thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, giao thoa với văn hóa và con người Việt Nam. Con cái của họ cũng lớn lên ở đây, có những người con của họ đã theo học từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Việt Nam. Và như thế, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của các chuyên gia Nga. Ông Vitali Leonidovich Trunov, nguyên Giám đốc phía Nga Chi nhánh phía Nam của TTNĐ Việt-Nga đã nhấn mạnh: “Việt Nam có thật nhiều ý nghĩa với tôi. Chính ở nơi đó tôi đã có cảm giác gần như mình đang ở nhà: Tất cả mọi thứ của mình, mọi người lúc nào cũng niềm nở thân mật, lúc nào cũng thết đãi nồng hậu, vui cười và luôn sẵn sàng giúp đỡ trong bất cứ việc gì. Đất nước này đã làm cho tôi cảm thấy có một sự ràng buộc đến lạ kỳ-một lần đã yêu là yêu mãi mãi. Và không chỉ mình tôi có cảm giác đó mà với bất kỳ ai đến Việt Nam, khi tôi hỏi chuyện thì họ đều chia sẻ rằng Việt Nam để lại trong họ những ấn tượng khó phai”.
Tình cảm sâu sắc giữa Việt Nam và LB Nga được thể hiện ở những con người cụ thể ở TTNĐ Việt-Nga. Họ không chỉ là đồng nghiệp đơn thuần về công việc mà thực sự đã trở thành những người tri kỷ. Khi ai đó không may qua đời, người còn lại như mất đi người thân yêu, ruột thịt. Điển hình là tình bạn sâu sắc giữa hai nhà khoa học: Đồng chí Phan Lương, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới (đã mất) và ông Andrey Kuznetsov, Tổng giám đốc phía Nga của trung tâm. Là người trong cuộc, chứng kiến tình cảm đó, Đại tá Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới nhớ lại: “Sau khi chú Phan Lương mất đi, Tiến sĩ Andrey Kuzhetsov lúc đó là Phó tổng giám đốc khoa học gần như suy sụp. Tôi thấy Andrey Kuzhetsov như một người khác, buồn và ít nói trong thời gian dài. Tình bạn giữa anh và chú Phan Lương là không gì có thể thay thế, không gì có thể bù đắp được. Chú Lương mất đi, anh không chỉ mất một đồng nghiệp tin cậy mà hơn thế, anh mất một người bạn tâm giao, mất một chỗ dựa tinh thần ở đất Việt. Không chỉ đối với Tiến sĩ Andrey Kuznetsov mà với rất nhiều nhà khoa học Nga nghiên cứu trong lĩnh vực sinh thái và đa dạng sinh học tại trung tâm, khi nhắc đến chú Phan Lương, đều thể hiện sự kính trọng và nuối tiếc. Chính vì thế, sau ngày chú mất, để tưởng nhớ một người bạn lớn Việt Nam, nhóm cán bộ nghiên cứu của trung tâm đã lấy tên chú đặt cho loài dơi muỗi mới được phát hiện-Myotis phanluongi”.
Dưới “mái nhà chung”, các cán bộ, nhân viên Việt Nam và Nga luôn ngày đêm cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đạt được nhiều thành tựu trong 3 hướng nghiên cứu: Độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới. Ngoài ra, TTNĐ Việt-Nga cũng rất quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ khoa học. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn cầu, TTNĐ Việt-Nga đã tham gia tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm chủ động xây dựng năng lực và là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế công nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho hai phòng thí nghiệm (xe xét nghiệm lưu động do LB Nga tài trợ và phòng thí nghiệm sinh học phân tử).
Trong các chuyến thăm hữu nghị chính thức lẫn nhau, lãnh đạo hai nước Nga và Việt Nam đều đánh giá cao hiệu quả hoạt động của TTNĐ Việt-Nga và cam kết cùng bảo đảm cho trung tâm phát triển lâu dài vì lợi ích hai nước. Ngày 19-11-2018, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm TTNĐ Việt-Nga. Tại đây, ông Dmitry Medvedev khẳng định, TTNĐ Việt-Nga là công trình hợp tác quan trọng, then chốt giữa hai nước và không có công trình tương tự trên thế giới. Ghi nhận những đóng góp của trung tâm trong việc góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga, ông Dmitry Medvedev đã trao Bằng tri ân của Tổng thống LB Nga tặng tập thể TTNĐ Việt-Nga và Huân chương Hữu nghị tặng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư.
Mới đây nhất, ngày 7-7-2020, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, làm việc, tặng Bằng khen TTNĐ Việt-Nga và các đồng chí đồng Tổng giám đốc trung tâm; trao quà và chúc mừng cán bộ, chuyên gia Nga nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương TTNĐ Việt-Nga đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào việc phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh ở mỗi nước, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, TTNĐ Việt-Nga là cơ chế hợp tác song phương duy nhất vẫn tồn tại từ thời Liên Xô đến nay; là biểu tượng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch mong muốn cán bộ, nhân viên hai nước tiếp tục phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học-công nghệ, phục vụ thiết thực nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước.
Với sự quan tâm to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, nhân viên hai nước, TTNĐ Việt-Nga đã phát triển trở thành tổ chức khoa học và công nghệ đa ngành về nhiệt đới có uy tín ở Việt Nam, LB Nga và quốc tế.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã, đang và sẽ tiếp tục nắm chặt tay nhau, đoàn kết và cùng phát triển. Thay lời kết, tôi xin được mượn những vần thơ trong Bài ca “đồng chí” của Đại tá Từ Đức Trung, nguyên Trưởng phòng Quản lý chuyển giao công nghệ, TTNĐ Việt-Nga: “Tôi với anh từ hai miền xa lạ/ Tôi ở Việt Nam/ Anh ở LB Nga/ Tôi tắm nước Hồng Hà/ Anh có dòng Volga trong xanh/ Giờ đây chúng ta cùng bên nhau/... Cùng hát vang bài ca đoàn kết/ Con đường ta đi-con đường khoa học/ Cho tương lai tươi sáng/ Cho thế giới hòa bình/ Cho thắm tình hai nước Việt-Nga/ Tình mặn nồng như biển cả bao la”.
QUÁCH ĐÌNH HỢI (phòng Chính trị)
Bài viết liên quan