TextBody

Oxy cao áp có hiệu quả tốt trong điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm

06/01/2021

 

Hiện nay, số người bị các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm tại nước ta đang ngày càng gia tăng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tại Trung tâm oxy cao áp Trung tâm nhiệt đới (TTNĐ) Việt – Nga, Cầu Giấy, Hà Nội đang áp dụng phương pháp điều trị bằng oxy cao áp kết hợp với thuốc tăng cường tuần hoàn não cho kết quả rất đáng khích lệ.
Rối loạn lo âu là một trong những dạng rối loạn tâm lý phổ biến. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí có thể lo lắng rất vô lý. Các triệu chứng do rối loạn lo âu gây ra nếu không được nhận diện và điều trị kịp thời, để lâu sẽ dẫn đến trầm cảm, gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với người bệnh và xã hội. Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào đó, tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong (xem phụ lục 1 cuối bài viết).

Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần – BV Bạch Mai, chỉ trong năm 2017 số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người. Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tâm thần, một phần tư trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm hiện tại bao gồm: Trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ thần kinh + tăng tuần hoàn não kết hợp với ăn uống, thể dục nhẹ nhàng, thay đổi lối sống.

Dựa trên tác dụng tăng cường oxy cho não bộ và giúp ăn ngon, ngủ ngon của liệu pháp oxy cao áp, Trung tâm oxy cao áp TTNĐ Việt – Nga hiện đang điều trị cho các trường hợp rối loạn lo âu và trầm cảm nhẹ bằng liệu pháp này, kết hợp với các loại thuốc bổ não thông thường đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Trường hợp bệnh nhân nữ Nguyễn T.Q. 18 tuổi (Phùng Chí Kiên, Hà Nội) đến khám trong tình trạng ăn ngủ kém, kéo dài khoảng 1 tuần, nguyên nhân có thể do mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn bè.
Bệnh nhân luôn mệt mỏi, không có hứng thú với bất cứ hoạt động nào, mất ngủ, chán ăn, buồn nôn và nôn, hoa mắt chóng mặt, thường xuyên xuất hiện những cơn đau nửa đầu dữ dội, đôi khi có các triệu chứng của trào ngược dạ dày – thực quản. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ Việt – Nga 05 (xem phụ lục 2).
Qua ngày điều trị đầu tiên, bệnh nhân thấy tinh thần tốt hơn, giảm hẳn đau đầu và chóng mặt, buồn nôn. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường như trước: ăn ngủ cải thiện rõ rệt, da dẻ hồng hào, không còn buồn nôn và chóng mặt, vui tươi hoạt bát hơn. Kết thúc đợt điều trị kéo dài 30 ngày, bệnh nhân ổn định (không cần dùng thuốc duy trì) và chưa thấy báo cáo về việc xuất hiện trở lại các triệu chứng.
Bệnh nhân nữ Trần H.H. 35 tuổi (Phạm Văn Đồng, Hà Nội), được chẩn đoán là trầm cảm sau khi có thai ngoài tử cung phải xử lý. Bệnh nhân thấy chán nản với mọi thứ dù không có lý do rõ rệt, cáu gắt vô cớ, tự đổ lỗi cho bản thân.
Sau đó chị Trần H.H khám chuyên khoa tâm thần và được cho dùng 2-3 loại thuốc chống trầm cảm, chị đã uống trong khoảng thời gian hơn 6 tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid, bệnh nhân ngại đến bệnh viện và tự ý giảm thuốc, dừng thuốc nên xuất hiện trở lại những triệu chứng của rối loạn trầm cảm: có những cơn lạnh người, ngủ kém (khó vào giấc, dễ tỉnh và khó ngủ lại) chán ăn, đau nửa đầu, co thắt cơ, tê tay, thường xuyên lo lắng.

Bệnh nhân Trần H.H. (váy đen) chia sẻ quá trình vượt qua căn bệnh trầm cảm nhờ phương pháp điều trị oxy cao áp. 

Clip chị Trần H.H. chia sẻ về quá trình vượt qua rối loạn lo âu và trầm cảm:
https://www.facebook.com/oxycaoap/posts/2224808680998556

Sau khi đến khám tại Trung tâm điều trị oxy cao áp TTNĐ Việt – Nga, bệnh nhân được tư vấn về tâm lý và điều trị bằng oxy cao áp (không kết hợp thuốc). Sau 3 ngày thở oxy cao áp, bệnh nhân ngủ tốt hơn, không còn bị tê tay. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã giảm hẳn các cơn lo lắng, giấc ngủ được cải thiện rõ rệt, ăn ngon hơn, tâm trạng vui tươi, không còn cáu gắt. Kết thúc đợt điều trị 30 ngày, bệnh nhân đôi khi có xuất hiện cảm giác lo lắng trở lại và được BS cho thở oxy cao áp trong 5 ngày. Nhờ thở oxy cao áp, các triệu chứng đỡ dần và hết, mặc dù không dùng thêm bất cứ loại thuốc nào.
Một trường hợp bệnh nhân cao tuổi là ông Lưu V.K. 83 tuổi (Minh Khai, Hà Nội). Sau khi bị cảm lạnh, bệnh nhân cảm thấy lo sợ, cho rằng mình bị căn bệnh nan y nào đó và có thể không sống được lâu nữa.

Do đang giai đoạn dịch Covid nên ông không dám đến bệnh viện khám, cảm giác lo lắng, căng thẳng ngày càng tăng. Cùng với đó, bệnh nhân đau cột sống thắt lưng nên việc tập thể dục bị gián đoạn. Hậu quả là ông K. chán ăn, gần như không ngủ được, hay bị cảm giác ớn lạnh trong đêm, tâm trạng lúc chán chường, lúc kích động, thường xuyên kêu ca phàn nàn. Sau khi xét nghiệm, chụp phim không có gì bất thường, bệnh nhân được dùng thuốc bổ và nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, tình trạng lo lắng, căng thẳng và mất ngủ lại tái diễn.
Bệnh nhân được BS cho điều trị theo phác đồ Việt – Nga 05, kết hợp với xoa bóp bấm huyệt vùng cột sống cổ + thắt lưng mỗi ngày 45 phút. Chỉ sau 2 ngày, bệnh nhân đã ngủ tốt trở lại, bắt đầu thấy ăn ngon, hết các cơn ớn lạnh ban đêm, tinh thần phấn khởi và tươi tỉnh. Sau đợt điều trị 30 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn hết các triệu chứng khó chịu trước đó. Hiện tại bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi tại nhà.

Kết quả bước đầu tích cực của liệu pháp oxy cao áp trên các bệnh nhân có rối loạn lo âu và trầm cảm nhẹ cung cấp thêm một lựa chọn cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh quái ác này. Đặc biệt bệnh nhân không cần phải dùng đến các loại thuốc chống trầm cảm vốn có nhiều tác dụng phụ và đòi hỏi thời gian duy trì ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu đánh giá trên số lượng bệnh nhân lớn hơn, được thiết kế bài bản hơn (ngẫu nhiên, mù đôi) để có thêm cơ sở khoa học vững chắc.
Bệnh nhân và người nhà quan tâm có thể đến Trung tâm oxy cao áp TTNĐ Việt-Nga, số 68 ngõ 2 Hoàng Sâm, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc liên hệ số hotline 0978-000-260 để được khám bệnh và tư vấn, điều trị.

Phụ lục:
Phác đồ Việt – Nga 05 hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu

(1) Thở oxy tinh khiết 100%, áp suất 1,6-1,8 at, mỗi ngày 60 phút, thời gian 30 ngày; (2) Cerebrolysine, Piracetam và Citicoline dùng đường tĩnh mạch 5-10 ngày sau đó chuyển sang đường uống 10-20 ngày (3) Magne B6 và Mimosa uống trong 10-20 ngày; (4) Kết hợp nghe nhạc, đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng cùng với người thân, mỗi ngày 30-60 phút.
Tiêu chuẩn DSM IV dùng chẩn đoán trầm cảm
Trong vòng hai tuần, hầu như mỗi ngày người bệnh đều có các biểu hiện: Tính khí sầu muộn và/hoặc từ chối những nguồn vui vốn có cộng với ít nhất 4 trong số các triệu chứng: (1) Giảm hoặc lên cân, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng; (2) Mất ngủ hoặc ngủ triền miên; (3) Kích động hoặc trở nên chậm chạp; (4) Mệt mỏi hoặc mất sức; (5) Cảm giác vô dụng, vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi; (6) Giảm khả năng tập trung, do dự; (6) Hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. (7) Không còn ham muốn các lĩnh vực trong cuộc sống như phim ảnh, các hoạt động thế thao các hoạt động xã hội rơi vào trạng thái buồn không lý do, chán nản không muốn phấn đấu, làm việc. Người trầm cảm luôn có cảm giác bị bỏ rơi, bị mọi người xa lánh.

Trung tá, BS CK1 Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp/ TTNĐ Việt – Nga