TextBody

Phát hiện hai loài giáp xác mới tại Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

09/07/2024

Tại Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), hai loài giáp xác mới Ctenapseudes vuxuankhoi (Hình 1) và Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi (Hình 2) thuộc họ Parapseudidae (Tanaidacea: Malacostraca) mới đây được phát hiện, mô tả và công bố. Đây làm một phần kết quả nghiên cứu của đề tài thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ được Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E -3.4, nhiệm vụ số 8: “Nghiên cứu đa dạng sinh học và cấu trúc chức năng sinh vật hệ sinh thái vùng ngập lũ và ven bờ”. Các nghiên cứu được thực hiện tại rừng ngập mặn Cần Giờ trong giai đoạn 2022 - 2023 bởi các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Viện Các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên Severtsov A.N./Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Hình 1. Hình thái mặt lưng và mặt bên loài Ctenapseudes vuxuankhoi

Hai loài giáp xác mới này có kích thước tương đối nhỏ, Ctenapseudes vuxuankhoi có kích thước 5,4 - 6,5 mm và Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi có kích thước 3,8 - 4,5 mm. Chúng dễ dàng phân biệt với các loài trong giống bởi các đặc điểm hình thái đặc trưng. Loài Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi phân biệt với các loài thuộc giống này bởi đặc điểm hình thái càng (cheliped) của con đực và sự vắng mặt của các lông cứng trên các đốt đùi (merus), đốt ống (carpus) và đốt bàn (prododus) của chân bò thứ VI. Trong khi loài Ctenapseudes vuxuankhoi phân biệt với các loài thuộc giống này bởi các đặc điểm của râu anten, chân hàm trên (maxilliped), càng (cheliped) và các chân bò (pereopods). Đến thời điểm hiện tại, có 4 loài thuộc giống Pseudohalmyrapseudes và 5 loài thuộc giống Ctenapseudes được biết đến trên toàn cầu, bao gồm cả 2 loài mới công bố này.

Hình 2. Hình thái mặt lưng và mặt bên loài Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi.

Về mặt sinh thái, dựa trên kết quả phân tích các đồng vị phóng xạ bền δ13C/δ15N cho thấy, hai loài giáp xác mới này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn như là sinh vật tiêu thụ bậc 1 các chất hữu cơ, có thể từ lá cây rừng ngập mặn đồng thời cũng là thức ăn cho các loài sinh vật bậc cao hơn trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Hai loài giáp xác mới này thường được tìm thấy sinh sống dưới lớp bùn khoảng 1 cm trong các sinh cảnh bãi triều thuộc các vùng đầm lầy của rừng ngập mặn Cần Giờ (Hình 3). 

 

Hình 3. Sinh cảnh sống của 2 loài Ctenapseudes vuxuankhoi Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi

Hai loài mới được đặt theo tên của cố Đại tá, Tiến sĩ Vũ Xuân Khôi - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái cạn/Chi nhánh Phía Nam và Viện sỹ Thông tấn, Tiến sĩ Khoa học Alexei V. Tiunov - Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên Severtsov A.N. để ghi nhận và vinh danh những đóng góp to lớn của hai nhà khoa học này đối với lĩnh vực nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trên lãnh thổ Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành về giáp xác và hệ thống phân loại động vật: Zootaxa 5433 (3) ngày 08/4/2024 với loài Pseudohalmyrapseudes alexeitiunovi  và Arthropoda Selecta 33(2) ngày 12/5/2024 với loài Ctenapseudes vuxuankhoi.

Tin bài: Trần Văn Tiến (CNPN)