TextBody

Phát hiện loài trùng chân giả có vỏ mới tại việt nam

05/08/2021

Trùng chân giả có vỏ (Testate amoebae) là những động vật nguyên sinh đơn bào nhân chuẩn, di chuyển bằng chân giả, có vỏ ngoài và lỗ miệng, kích thước thường từ vài chục tới vài trăm µm. Trùng chân giả có vỏ sống chủ yếu trong đất ẩm, đầm lầy, ao, hồ và các thủy vực nước ngọt, ít gặp trong môi trường nước lợ và nước biển. Chúng là một thành phần của “vòng vi sinh” (microbial loop), có vai trò rất lớn trong hệ sinh thái, là thành phần quan trọng của lưới thức ăn cũng như các chu trình chuyển hóa vật chất và năng lượng.

Trong những năm gần đây, nhóm sinh vật này ngày càng được quan tâm nghiên cứu do tầm quan trọng về mặt sinh thái cũng như khả năng ứng dụng thực tế của chúng. Hiện nay, trùng chân giả có vỏ được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu cổ sinh thái học, cổ môi trường học. Đồng thời, chúng cũng là nhóm sinh vật tiềm năng sử dụng làm chỉ thị sinh học môi trường. Các sinh vật này thậm chí còn được sử dụng trong các nghiên cứu pháp y.

Cho tới nay, phần lớn các nghiên cứu về trùng chân giả có vỏ được tiến hành tại châu Âu, châu Mỹ. Tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, số lượng nghiên cứu về nhóm sinh vật này còn rất hạn chế. Tại một số quốc gia châu Á, gần như không có thông tin về nhóm sinh vật này. Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu tích cực khảo sát, số lượng các loài trùng chân giả có vỏ được phát hiện có thể sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại. Vì thế, việc tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về trùng chân giả có vỏ là cần thiết.

Trong khuôn khổ đề tài “Bước đầu nghiên cứu đa dạng thành phần loài và sự phân bố của nhóm Trùng chân giả có vỏ (Testate amoebae) ở một số tỉnh phía Nam Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã phát hiện và mô tả loài trùng chân giả có vỏ mới đối với khoa học tại hồ chứa nước Ma Bào (Bình Thuận). Loài mới này được nhóm nghiên cứu đặt tên là Difflugia vietnamica (Tran and Mazei, 2018). Ngoài ra, trong kết quả của đề tài, có 61 loài và phụ loài là ghi nhận mới đối với Việt Nam (Tran, 2017; Tran and Mazei, 2018).

Hồ chứa nước Ma Bào (Bình Thuận)

Loài mới Difflugia vietnamica được đặc trưng bởi vỏ ngoài có tính đối xứng tương đối hoàn hảo quanh một trục thẳng đứng đi qua đỉnh và mặt phẳng lỗ miệng, bề mặt vỏ khá nhẵn (khi quan sát dưới kính hiển vi quang học), lỗ miệng rộng hình tròn với đường kính bằng khoảng một nửa tổng chiều dài vỏ và khoảng 2/3 chiều rộng vỏ. Một số chỉ tiêu hình thái cơ bản của vỏ: chiều dài 48,9-64,8 µm; chiều rộng 42,6–53,4 µm; đường kính miệng 23,4–34,8 µm. Ngoài hồ chứa nước Ma Bào (Bình Thuận), Difflugia vietnamica còn được phát hiện tại hồ chứa nước Tà Mon (Bình Thuận), sông Tiền (Đồng Tháp) và kênh Hòa Bình (Bạc Liêu).

Hình ảnh loài mới Difflugia vietnamica được quan sát dưới kính hiển vi quang học. A-C: nhìn từ phía bên. D: nhìn từ phía lỗ miệng. Thang đo: 20 µm

Hình ảnh loài mới Difflugia vietnamica được quan sát dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM)

Nguồn tài liệu:

Tran Q.H. (2017). Diversity and Community Patterns of Testate Amoebae in Bau Sen and Bau Trang Lakes in Binh Thuan Province, Vietnam. Inland Water Biology, 2017, Vol. 10, No. 1, pp. 1–7.

Tran H.Q., Mazei Y.A. (2018). Testate amoebae from South Vietnam waterbodies with the description of new species Difflugia vietnamica sp. nov. Acta Protozoologica. 57: 215-230.

Bài và ảnh: TS. Trần Quốc Hoàn/Viện STNĐ