TextBody

Phát hiện mới một loài thực vật dị dưỡng không có diệp lục tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa

18/12/2024

Trong chuyến khảo sát sinh thái và đa dạng sinh học tháng 10 năm 2023, các nhà khoa học Đoàn nghiên cứu hỗn hợp Việt - Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Trường Đại học Tổng hợp Moscow, Liên bang Nga) cùng với các cán bộ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên đã ghi nhận một loài thực vật mới (Thismia papillata) cho khoa học, được công bố trên tạp chí Phytotaxa, tháng 6 năm 2024. Cho đến nay, đây là loài thực vật không có diệp lục duy nhất được phát hiện ở KBTTN Xuân Liên, tại khu vực rừng nguyên sinh có độ cao 800 m so với mực nước biển (Bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Thông thường, các loài thực vật có diệp lục tự tổng hợp dinh dưỡng thông qua quá trình quang hợp. Hầu hết các loài thực vật không có diệp lục phải lấy nguồn dinh dưỡng nhờ vào sự cộng sinh với một số loài nấm trong quá trình sinh trưởng và phát triển, gọi là thực vật dị dưỡng (Mycoheterotrophic). Loài Thismia papillata thuộc chi Tiết mi (Thismia), họ Tiết mi (Thismiaceae), là loài thực vật thân thảo rất nhỏ sống dị dưỡng cộng sinh với nấm, thân hơi mọng, rễ dạng sợi, sống trên cạn và ưa ẩm vừa phải. Cành (khi nở hoa) dài khoảng 1 mm, mang một bông hoa duy nhất ở đầu cuối được bao quanh bởi 3 lá bắc. Lá nhỏ, mọc so le hay mọc đối, bị suy thoái thành dạng vảy hình tam giác hoặc hình trứng, nhẵn, dài 2 mm và không có diệp lục. Lá bắc rời có màu trắng nhạt, hình trứng ngược, dài 4,0-4,9 mm, nhẵn, bám chặt vào đế hoa. Hoa lưỡng tính, màu trắng nhạt, dài khoảng 13 mm, hình chén ngược hơi nghiêng, mặt ngoài có các nốt nhú nổi rõ, ở giữa uốn cong khoảng 90°. Các nhị hoa liên kết lại thành 1 ống uốn cong hình chiếc ủng, noãn dưới gồm nhiều ô. Hoa nở vào tháng 10.

Loài này có đặc điểm khác biệt nhất so với các loài khác trong chi Thismia là hình thái các phần phụ của bao hoa bên ngoài và bên trong. Các bao hoa bên trong hợp nhất thành dạng mũ, các phần phụ của các bao hoa bên ngoài dài 15 mm, các phần phụ của các bao hoa bên trong dài 9 mm.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 109 loài thuộc chi Tiết mi trên toàn thế giới, hầu hết các loài phân bố từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, đến vùng ôn đới Australia và châu Mỹ. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã xác định được 6 loài thuộc chi Tiết mi. Điều đặc biệt, cả 6 loài này đều phân bố từ Quảng Trị trở vào. Loài T. papillata tại KBTTN Xuân Liên chỉ phát hiện một mẫu duy nhất, được ghi nhận lần đầu tiên có phân bố ở vĩ độ cao nhất trên lãnh thổ nước ta.

Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận nhiều loài động thực vật mới tại KBTTN Xuân Liên, trong đó nhiều loài có giá trị cần được bảo tồn. Phát hiện mới loài thực vật dị dưỡng không có diệp lục T. papillata tại KBTTN Xuân Liên tiếp tục bổ sung minh chứng cho thấy, đây là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn để phát huy giá trị đa dạng sinh học, sinh thái và môi trường của KBTTN Xuân Liên.

Loài thực vật dị dưỡng Thismia papillata (A, B: Ảnh chụp tại môi trường sống tự nhiên; C, D: Hoa nhìn từ trên; E, F, G. Hoa nhìn từ bên (Ảnh: Semenyuk II).

Hình vẽ mô tả một số chi tiết hoa loài Thismia papillata (A: Đoạn thân mang hoa; B: Lát cắt dọc hoa; C. Mặt trong bao hoa; D: Ống nhị (mặt ngoài); E: Vòi nhụy và chỉ nhụy (Hình vẽ: Semenyuk II và Yudina SV).

Tin bài: Đặng Ngọc Huyền1, Lê Xuân Đắc1, Đỗ Tất Thịnh1

  Phạm Anh Tám2, Hà Văn Qúy2, Nguyễn Mậu Toàn2

1 Viện Sinh thái Nhiệt đới/TTNĐ Việt - Nga

2 KBTTN Xuân Liên, Thanh Hóa

Nguồn tài liệu:

1. Nuraliev MS, Yudina SV, Dac LX, Kuznetsov AN, Kuznetsova SP, Semenyuk II (2024). Thismia papillata (Thismiaceae), a new species from northern Vietnam. Phytotaxa, 655(3):261-271.

2. Nguyen Van Tan, Pham The Cuong, Nguyen Quang Truong (2016). New records and an updated list of snakes (Squamata: Serpentes) from Xuan Lien nature reserve, Thanh Hoa province, Vietnam. Tạp chí Sinh học, 38(3):324-332.

3. Li Ding, Zening Chen, Chatmongkon Suwannapoom, Tan Van Nguyen, Nikolay A. Poyarkov, Gernot Vogel (2020). A new species of the Pareas hamptoni complex (Squamata: Serpentes: Pareidae) from the Golden Triangle. TAPROBANICA The Journal of Asian Biodiversity, 9(2):174-193.

4. Hoang Thi Binh, Nguyen Van Ngoc Trinh Ngoc Bon, Shuichiro Tagane, Yoshihisa Suyama, Tetsukazu Yahara (2018). A new species and two new records of Quercus (Fagaceae) from northern Vietnam. PhytoKeys, 92:1-15.

5. Đặng Huy Phương, Lê Xuân Cảnh, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Đình Hải (2013). Các loài thú ghi nhận ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. TC Sinh học, 35(3se):26-33.