<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Phát hiện mới về hóa thạch của 6 loài động vật trong các hang động miền Bắc Việt Nam

11/08/2022

Tháng 12 năm 2019, Viện sĩ Alexei Lopatin - Viện trưởng Viện Cổ sinh vật học/Viện HLKH Nga đã đến thăm và làm việc với các cán bộ Việt Nam của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga để xây dựng một kế hoạch hợp tác nghiên cứu về “Thành phần khu hệ linh trưởng (Cercopithecidae, Pongidae) và động vật gặm nhấm (Rodentia) trong thế Pleixtôxen và Holoxen làm chỉ thị biến đổi các điều kiện sinh thái”. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá tốc độ tuyệt chủng của các nhóm động vật này và thu thập dữ liệu gián tiếp về những thay đổi môi trường trong thời gian gần đây. Sau khi bàn bạc, trao đổi, nội dung nghiên cứu đã được Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cùng với Viện Cổ sinh vật học thống nhất đưa vào Chương trình nghiên cứu hỗn hợp Việt-Nga giai đoạn 2020-2024 và được triển khai ngay từ đầu năm 2020.

Trong hai năm (2020-2021) các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam và Nga đã tiến hành khảo sát, thu thập các mẫu trầm tích tại hang Làng Tráng và hang Bụt (tỉnh Thanh Hóa), hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (tỉnh Lạng Sơn) ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả phân tích bước đầu đã phát hiện được các dấu tích hóa thạch của một số loài động vật trong thế Pleixtôxen và Holoxen, trong đó có hóa thạch của 05 loài lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam và 01 loài được mô tả là loài mới. Đây là những kết quả quan trọng mở ra triển vọng hợp tác nghiên cứu trong các năm tiếp theo.
1. Dơi Iô Io ia Thomas, 1902
Loài dơi lớn nhiệt đới quý hiếm có tên khoa học là Io ia hiện nay sống ở Nepal, Đông Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ở Trung Quốc đã phát hiện được dấu tích hóa thạch của loài này trong trầm tích Pleixtôxen. Năm 2020, khi tiến hành nghiên cứu về cổ sinh vật tại hang Làng Tráng, tỉnh Thanh Hóa, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện được một mảnh hóa thạch xương hàm dưới của loài dơi lớn Io ia trong trầm tích Pleixtôxen thượng. Về kích thước tổng thể và cấu tạo của xương hàm dưới, mẫu vật thu được từ hang Làng Tráng cho thấy có sự tương đồng lớn nhất với phụ loài Ia io peninsulata Soisook et al., 2017 sống ở miền Nam Thái Lan.  

Mảnh xương hàm dưới bên trái của loài dơi Ia io Thomas, 1902 trong trầm tích Pleixtôxen thượng tại hang Làng Tráng, tỉnh Thanh Hóa

2. Lửng lợn Arctonyx collaris Cuvier, 1825
Lửng lợn Arctonyx collaris là một trong số các loài lửng lớn nhất hiện nay với chiều dài hộp sọ đến 172-174 cm, chiều dài thân 87-88 cm và trọng lượng từ 14-21,5 kg. Hiện nay, loài này phân bố trên lãnh thổ phía Đông Ấn Độ và Đông Dương cho đến các khu vực bán đảo Myanmar và Thái Lan. Lửng lợn là đại diện của khu hệ Stegodon-Ailuropoda trong trầm tích Pleixtôxen trung-muộn ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Từ dấu tích các mảnh răng thu được tại hang Làng Tráng, các nhà khoa học đã mô tả về loài lửng lợn lớn này. Kết quả phân tích cho thấy, các răng hàm M1 và M1 là những dấu hiệu đặc trưng của loài Arctonyx collaris Cuvier, 1825. Đồng thời chiều dài của mẫu răng M1 tại hang Làng Tráng hơn hẳn những cá thể lửng lợn hiện nay. Căn cứ vào kích thước và cấu tạo của các dấu tích hóa thạch răng có thể xem nó là một phần của phụ loài A. collaris rostratus Matthew et Granger, 1923 đã bị tuyệt chủng.


Các mẫu răng của loài lửng lợn Arctonyx collaris rostratus Matthew et Granger, 1923 trong Pleixtôxen thượng tại hang Làng Tráng, tỉnh Thanh Hóa

3. Nhím lớn Hystrix kiangsenensis Wang, 1931
Hiện nay, Hystrix brachyura Linnaeus, 1758 là loài nhím phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Nó có 3 phụ loài là H. b. hodgsoni Gray, 1847 phân bố ở Nepal và Đông Ấn Độ, H. b. subcristata Swinhoe, 1870 phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và 1 phụ loài chỉ định ở Malacca, Sumatra, Kalimantan. Một số nghiên cứu trước đây về dấu tích răng thu được từ trầm tích cổ ở hang Làng Tráng đã xác định là loài Hystrix brachyura Linnaeus, 1758 hoặc H. indica Kerr, 1792. Tuy nhiên, căn cứ vào các mẫu răng thu được trong năm 2020 và kết quả phân tích dữ liệu kích thước răng má, chiều dài của răng tiền hàm, vị trí hệ thống của răng, so sánh đối chiếu với loài nhím khác của Việt Nam đã xác định được mẫu ở hang Làng Tráng thuộc về loài Hystrix kiangsenensis Wang, 1931.

 Các mẫu răng của loài nhím Hystrix kiangsenensis Wang, 1931 thu được trong trầm tích của hang Làng Tráng

4. Don Atherurus macrourus (Linnaeus, 1758)
Khu hệ don hiện đại có 2 đại diện - loài Châu Phi có tên khoa học là A. africanus Gray, 1842 và loài Châu Á có tên là A. macrourus (Linnaeus, 1758). Loài A. macrourus hiện đang sống ở Đông Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nam Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và bán đảo Malaysia. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được hóa thạch của loài A. macrourus trong trầm tích Pleixtôxen ở Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài ra, ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ghi nhận được các mẫu vật của loài A. karnuliensis Lydekker, 1886 đã bị tuyệt chủng. Năm 2020, khi tiến hành khai quật tại hang Bụt, tỉnh Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu đã thu thập được một số mẫu răng hàm dưới cùng các mẩu răng khác từ ranh giới trầm tích Holoxen-Pleixtôxen và đã mô tả xác định là loài A. macrourus. Kết quả phân tích cho thấy, chiều dài trung bình răng má của loài don này lớn loài don hiện đại, nhưng nhỏ hơn một chút so với loài A. karnuliensis đã bị tuyệt chủng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện được hóa thạch của loài này.

 Các mẫu răng của loài Don Atherurus macrourus (Linnaeus, 1758) thu được trong trầm tích Pleixtôxen thượng-Holoxen hạ ở hang Bụt

5. Chuột mù mới Typhlomys stegodontis sp. nov. 
Chuột mù Typhlomys chapensis Osgood, 1932 là rất quý hiếm và đặc hữu cho Việt Nam, nhưng còn ít được nghiên cứu. Cho đến gần đây, ở Việt Nam chưa ghi nhận được dữ liệu nào về hóa thạch của loài này, nhưng tại Trung Quốc đã phát hiện được dấu tích của loài trong trầm tích Mioxen thượng và trẻ hơn. Năm 2021, khi tiến hành khảo sát tại các hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai thuộc tỉnh Lạng Sơn, các nhà nghiên cứu đã thu thập được các mảnh xương hàm trên, các răng độc lập trong trầm tích Pleixtôxen trung và mô tả xác định được loài mới Typhlomys stegodontis sp. nov. Đây là lần đầu tiên phát hiện được hóa thạch của loài này ở Việt Nam.

     Mẫu răng của loài Typhlomys stegodontis Lopatin, 2021 thu được trong trầm tích Pleixtôxen trung ở hang Thẩm Hai

6. Vượn khổng lồ Gigantopithecus blacki von Koenigswald, 1935
Vượn Gigantopithecus blacki von Koenigswald, 1935 là loài lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của bộ linh trưởng và khá phổ biến trong trầm tích Pleixtôxen ở miền Nam Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và miền Bắc Thái Lan. Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy những dấu tích của loài G. blacki khá phổ biến trong Pleixtôxen trung và hạ có tuổi từ 2 đến 0,3 triệu năm nhưng rất hiếm gặp ở trầm tích Pleixtôxen thượng. Năm 2020 khi khảo sát hang Làng Tráng ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa các nhà nghiên cứu đã thu được mẫu răng nguyên vẹn của răng bên phải và một mảnh ở phần xa của răng bên trái của loài trong trầm tích Pleixtôxen thượng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện được các dấu tích loài này trong trầm tích Pleixtôxen thượng và là lần thứ 2 phát hiện được trong Pleixtôxen thượng nếu tính cả các mẫu thu được từ hang Shuantan ở miền Nam Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng, loài G. blacki có thể bị tuyệt chủng trong thời kỳ chuyển tiếp giữa Pleixtôxen trung và Pleixtôxen hạ. Những mẫu vật thu được tại hang Làng Tráng thuộc về một trong những quần thể còn sót lại của loài. 

Các mẫu răng của loài Gigantopithecus blacki von Koenigswald, 1935 thu được trong trầm tích Pleixtôxen thượng ở hang Làng Tráng

                Tin bài: Nguyễn Quốc Khánh

Nguồn tài liệu:
Lopatin A.V., Mashchenko E.N., Vislobokova I.A., Serdyuk N.V, Le Xuan Dac (2021). Pleistocene mammals from the Lang Trang cave (Vietnam): new data, Doklady Biological Sciences, 496: 5-9.
Лопатин А.В. (2021). Новый вид Typhlomys (Platacanthomyidae, Rodentia) из среднего плейстоцена северного Вьетнама // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2021. Т. 501. № 1. С.505-510. 
Лопатин А.В. (2021). Ископаемый большехвостый дикобраз Atherurus macrourus (Hystricidae, Rodentia) из северного Вьетнама (пещера Буд, рубеж плейстоцена и голоцена) // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2021. Т. 497. С.113-117. 
Лопатин А.В. (2020). Большой кожан Ia io (Vespertilionidae, Chiroptera) из плейстоцена Вьетнама (пещера Лангчанг) // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2020. Т. 495. № 6. С.572-576. 
Лопатин А.В. (2020). Большой свиной барсук Arctonyx collaris (Mustelidae, Carnivora)  из плейстоцена Вьетнама (пещера Лангчанг) // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2020. Т. 495. № 6. С.577-580. 
Лопатин А.В. (2020). Систематическое положение крупного дикобраза (Hystrix, Hystricidae, Rodentia) из плейстоцена Вьетнама (пещера Лангчанг) // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2020. Т. 495. № 6. С.581-585. 
Лопатин А.В. (2020). Систематическое положение крупного дикобраза (Hystrix, Hystricidae, Rodentia) из плейстоцена Вьетнама (пещера Лангчанг) // Доклады Российской Академии наук. Науки о жизни. 2020. Т. 495. № 6. С.581-585.