Phát hiện mới về phân bố của loài chuột đá Bắc Bộ - một loài chuột ít được nghiên cứu

17/11/2023

Loài chuột đá Bắc Bộ còn được gọi là chuột đá Đông Bắc (tên khoa học: Tonkinomys daovantieni) là một loài chuột thuộc họ Muridae đã được Musser và cộng sự mô tả lần đầu tiên cách đây khoảng 17 năm từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, tỉnh Lạng Sơn vào năm 2006. Tên khoa học của loài được đặt tên Giáo sư Đào Văn Tiến, người góp phần đặt những viên gạch nền móng xây dựng ngành sinh vật học Việt Nam.

Loài chuột đá Bắc Bộ -Tonkinomys daovantieni.

Loài chuột đá Bắc Bộ là đại diện duy nhất của giống Tonkinomys, cho đến năm 2016, dữ liệu về phân bố và tình trạng bảo tồn của loài vẫn chưa được cập nhật, mặc dù vào năm 2018 các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện được loài này ở huyện Ma Lật Pha, Miêu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và mới gần đây, vào tháng 2 năm 2023, trong chuyến khảo sát động vật ở huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), các cán bộ nghiên cứu Việt Nam và Nga thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã thu được ba cá thể của loài Tonkinomys daovantieni tại xã Cà Thành và gần thị trấn Tĩnh Túc, nằm cách nơi lần đầu tiên phát hiện được loài 120 km về phía Bắc Đông Bắc (Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, tỉnh Lạng Sơn).

Các vị trí loài Tonkinomys daovantieni.

Nhìn chung, hộp sọ các mẫu vật của quần thể chuột đá Bắc Bộ mới phát hiện được ở tỉnh Cao Bằng có hình dạng điển hình của loài, với mõm hẹp, dài và nhọn, cung xương gò má rộng và chắc, mào xương lớn - mảnh và tấm cơ cắn rộng. Lỗ răng cửa dài, rộng và tròn. Bướu rắn chắc, không phình ra, nằm tự do, giữa chúng và các xương chân bướm có rãnh rộng. Mặt trước của răng cửa trên và dưới có một lớp men răng màu vàng nhạt, bề mặt răng nhẵn. Các răng hàm có thân răng phát triển tốt. Bề mặt nhai của răng hàm có hai đường gờ hình chữ “V” song song và các gò riêng biệt. Răng hàm trên thứ nhất có bốn chân, răng hàm trên thứ hai và thứ ba có ba chân, trong khi tất cả các răng hàm dưới đều có hai chân răng.

Hộp sọ chuột đá Bắc Bộ.

Chuột đá Bắc Bộ có mối quan hệ sinh thái gắn liền với sinh cảnh rừng núi đá vôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quần thể Việt Nam gần nhau về mặt di truyền và rõ ràng được giao phối ngẫu nhiên, trong khi quần thể Vân Nam đại diện cho một nhóm chị em riêng biệt về mặt di truyền trong mối quan hệ với quần thể Việt Nam, nhưng không thể phân biệt được theo hình thái. Khoảng cách di truyền của quần thể Vân Nam là 2,2-2,5% và không thể xem chúng là khác loài, do mức độ khác biệt di truyền ở các gen ty thể, cũng như tính đa hình loài nói chung của gen nhân được nghiên cứu, chưa cho phép phân biệt bất kỳ bậc phân loại rõ ràng nào về loài hoặc phụ loài trong giống Tonkinomys.

Tình trạng bảo tồn của một loài phụ thuộc vào sự hiện diện hoặc không có các khu vực tự nhiên được bảo vệ đặc biệt trong phạm vi phân bố của chúng. Đối với loài chuột đá Đông Bắc Tonkinomys daovantieni, những phát hiện về quần thể địa lý mới tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã mở rộng vùng phân bố của loài đến 250 km. Đặc biệt, trên lãnh thổ vùng Đông Bắc Việt Nam có 11 Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong phạm vi phân bố của loài hoặc khu vực lân cận như Tây Côn Lĩnh, Du Già, Bát Đại Sơn, Bắc Mê (Hà Giang); Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng); Kim Hỷ, Ba Bể (Bắc Kạn); Hữu Liên (Lạng Sơn); Na Hang (Tuyên Quang); Thần Sa (Thái Nguyên) và Kỳ Thượng (Quảng Ninh), có thể được cho là có sự hiện diện của loài, dựa trên phân bố các kiểu sinh cảnh phù hợp. Điều kiện này rất thuận lợi cho việc bảo tồn loài và giảm thiểu được những rủi ro nhất định. Từ những dữ liệu này, các nhà nghiên cứu cho rằng, loài chuột đá Đông Bắc không bị đe dọa trực tiếp và không có xu hướng giảm phạm vi phân bố, tình trạng bảo tồn của loài có thể được xác lập là sắp bị đe dọa (NT B1a+2a)và xu thế quần thể hiện tại là ổn định.

                                                                      Tin bài: Nguyễn Quốc Khánh (Viện STNĐ)

Nguồn: Balakirev A.E., Bui P.X., Rozhnov V.V. (2023). New data on the distribution and diversity of the little-studied rodent of the Tonkin limestone rat (Tonkinomys daovantieni, Rodentia, Muridae). Biodiversity Data Journal, 11: e110335