TextBody

Phát hiện thêm hai loài giáp xác mới tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

21/01/2025

Trong khuôn khổ đề tài thuộc Kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ được Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E-3.4, nhiệm vụ số 8: “Nghiên cứu đa dạng sinh học và cấu trúc chức năng sinh vật hệ sinh thái vùng ngập lũ và ven bờ”, các nhà khoa học thuộc Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Viện Các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên Severtsov A.N./Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tiến hành các chuyến nghiên cứu, khảo sát thực địa tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, vào tháng 9 năm 2021 và tháng 4 năm 2022. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện, mô tả hai loài giáp xác mới cho khoa học, được công bố trên các tạp chí chuyên ngành về giáp xác với loài Alpheus cangiopalus sp.n. (Hình 1, 2) và hệ thống phân loại động vật với loài Thalassina cangioensis sp. nov. (Hình 6).

1. Alpheus cangiopalus

Loài tôm Alpheus cangiopalus, thuộc giống Alpheus, họ Alpheidae, bộ Decapoda. Chúng có màu sắc giống nhau giữa con đực và con cái, kích thước lớn nhất 25 - 27 mm, toàn bộ cơ thể có màu trắng trong suốt, được phủ bằng lớp vỏ với các sọc ngang màu xanh lá cây - đỏ cách đều nhau, râu màu xanh lá cây, mắt màu vàng, cặp càng bất đối xứng, đặc trưng bởi các đốt bàn ở càng nhỏ của chân bò thứ I (pereiopod I). Về mặt sinh thái, dựa trên kết quả phân tích các đồng vị phóng xạ bền δ13C/δ15N cho thấy, A. cangiopalus thuộc sinh vật tiêu thụ bậc 2, ăn các loài động vật không xương sống cỡ nhỏ như: giun tròn, các loài giáp xác nhỏ... Loài này thường sống thành cặp gồm con đực và con cái trong các hang sâu ở trong lớp bùn đất mềm trong các sinh cảnh bãi triều vùng đầm lầy, kênh rạch của rừng ngập mặn Cần Giờ cách bờ biển khoảng 4 km (Hình 5).

Hình 1: Hình thái ngoài cá thể đực loài Alpheus cangiopalus. 

Hình 2: Hình thái ngoài cá thể cái loài Alpheus cangiopalus. 

Hình 3: A. cangiopalus, càng (chela) lớn của cá thể đực (a-e) và cá thể cái (f, g): a-d, f, g - chela bên phải pereiopod I; e - các đốt khớp nối với chela.

Hình 4: A. cangiopalus, càng (chela)  bé của cá thể đực (a-d, g-k) và  cá thể cái (e, f): a, b, e, f - càng bé bên trái pereiopod I; c - đốt bàn chân bò I; d - đốt bàn chân bò II; g - chân bò II; h - chân bò III; i, j - đốt bàn (dactylus) chân bò III; k - chân bò V.

Hình 5: Sinh cảnh sống của loài Alpheus cangiopalu.

2. Thalassina cangioensis

Loài Thalassina cangioensis thuộc giống Thalassina, họ Thalassinidae, giống Decapoda. Loài này thường có màu đỏ - cam ở mặt trên của giáp đầu ngực, đốt bụng, chân bò, chân bơi; ở các mặt bên, mặt dưới có màu trắng, mắt có màu đen; con đực có cặp càng lớn bất đối xứng và chắc chắn hơn so với con cái. Mẫu  T. cangioensis thu được tại Cần Giờ có kích thước 15,3 - 17,1 cm.  Loài này khác biệt so với các loài khác trong giống Thalassina ở gai cứng nằm phần phía sau giáp đầu ngực và ở phần càng/ chân bò I (Chelipeds). Phân tích di truyền phân tử cho thấy loài mới này có sự khác biệt lớn về mặt di truyền (dấu hiệu COI ti thể) so với các loài khác đã được giải trình tự (Hình 9). T. cangioensis mới chỉ được tìm thấy trong các hang sâu nằm trong nền đất khô ở các bờ đất, dưới gốc cây bần, cây dừa nước gần các kênh, rạch ở các vùng đầm lầy ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Hình 6: Hình thái ngoài cá thể đực và cái loài Thalassina cangioensis.

Hình 7: Pereopod I của cá thể đực T. cangioensis: a, b-pereopod I lớn; c, d-đốt càng lớn pereopod I (dactylus và pollex); e-pereopod I lớn nhìn từ mặt lưng; f-pereopod I nhỏ;  g-đốt càng bé pereopod I; h-mặt lưng của pereopod I bé. Thước tỉ lệ 1 cm.

Hình 8: Pereopod I của cá thể cái T. cangioensis: a-mặt bên phần trước của giáp đầu ngực; b-rostrum; c-gai cứng ở phía sau giáp đầu ngực và đốt bụng 1; d, e-pereopod I; f-đốt càng lớn pereopod I (dactylus và pollex); g-pereopod  I lớn nhìn từ mặt lưng; h, i-đốt càng bé pereopod I; j-pereopod I (dactylus và pollex); k-pereopod I lớn nhìn từ mặt lưng; l-pleomere III, nhìn từ  mặt bụng. Thước tỉ lệ 1 cm.

Hình 9: Mối quan hệ phát sinh loài Thalassina cangioensis với các loài khác trong giống Thalassina.

Phát hiện mới về hai loài giáp xác này bổ sung dẫn liệu về sự đa dạng sinh học cho khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đa dạng sinh học khu hệ giáp xác ở Việt Nam.

Tin bài: Trương Bá Hải, Phòng Sinh thái nước, CNPN