Phòng giữ mẫu sinh học - Chi nhánh Ven biển

15/08/2022

Phòng lưu trữ mẫu thủy sinh của Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga được xây dựng vào khoảng năm 1997, là nơi trưng bày giới thiệu về sinh vật biển, sông hồ đặc trưng thu được ở Việt Nam và Nga. Các mẫu vật ở đây đã được xác định rõ nguồn gốc về thành phần loài, thời gian và địa điểm thu mẫu, là kết quả nghiên cứu về hướng sinh thái của Chi nhánh Ven biển.

Hình ảnh phòng lưu mẫu sinh học - Chi nhánh Ven biển

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, đô thị hóa, sự phát triển của các khu công nghiệp, du lịch và sự đánh bắt không có quy hoạch đã làm cho môi trường bị suy thoái dẫn đến suy giảm tính đa dạng của các loài thủy sinh vật, có nhiều loài thủy sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Lưu giữ đa dạng thành phần loài các loài thủy sinh vật làm cơ sở để nghiên cứu đánh giá động lực của sự đa dạng, làm tư liệu cho các nghiên cứu bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi.

Từ năm 2021, Chi nhánh Ven biển giao Phòng Sinh thái nhiệt đới thực hiện nhiệm vụ “Hoàn thiện và duy trì phòng giữ mẫu sinh học”, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành kiểm tra, hoàn thiện được 565 mẫu cá thuộc 102 họ, 419 loài; 10 mẫu giáp xác thuộc 10 họ, 10 loài; 54 mẫu động vật thân mềm thuộc 30 họ, 48 loài được lưu ở trên các giá kệ và được bảo quản khá tốt trong các lọ thủy tinh chứa dung dịch cồn 900C và 159 mẫu san hô thuộc 27 họ 159 loài bảo quản khô trong các tủ trưng bày. Tất cả các mẫu được lưu giữ tại phòng lưu mẫu được đảm bảo ở điều kiện nhiệt độ ổn định 240C, có sổ sách ghi chép quản lý mẫu vật.

            Hình ảnh về mẫu vật tại phòng lưu mẫu sinh học - Chi nhánh Ven biển

Hiện nhóm thực hiện đã xây dựng được kỹ thuật bảo quản cho từng nhóm đối tượng mẫu: cá, giáp xác, động vật thân mềm, san hô với 17 bước cụ thể theo sơ đồ sau:

Quá trình bảo quản mẫu cần lưu ý các bước:

Mẫu cá: Tạo dáng mẫu cá để đầu xuống dưới, đuôi lên trên. Nếu cá nhỏ quá so với bình thì cần làm giá đỡ bằng nhựa: dùng dây dù trắng buộc phần đầu và đuôi vào tấm nhựa, lưu ý: buộc mặt sau của tấm nhựa. Các loại cá thuôn dài, như cá chình, lịch: có thể cuộn tròn, dùng cây thép để cố định đầu lên phía trên. Khi gắn nhãn cá nên lấy kim luồn dây dù xuyên qua phần đuôi hoặc buộc ở cổ. Nhãn có những thông tin sau: tên cá bằng tiếng Việt, tên Latinh, địa điểm thu mẫu, người thu mẫu và thời gian thu mẫu. Bảo quản mẫu trong dung dịch formalin 12% trong 3-5 tháng tùy vào kích cỡ cá sau đó bảo quản lâu dài trong dung dịch cồn 90 độ.

San hô: Khi mang khỏi mặt nước các tập đoàn san hô hình khối sẽ chết các pôlyp (cơ thể) của chúng rất ngắn và nhỏ mà khi sống mắt thường cúng ta cũng rất khó quan sát, lúc chết cơ thể chúng cũng bị phân huỷ trên những khối san hô đó. Với nhiều hình dạng như hình núi, tháp, quạt, trái cây... khi bảo quản cần sử dụng vòi nước ngọt để xịt phun mạnh rửa cho sạch rồi ngâm chúng với nước vôi pha loãng từ 7 - 9 ngày, sau đó mỗi ngày đem ra phơi ở chỗ nắng khoảng 4 giờ, thời gian còn lại đưa vào chỗ gió thoáng mát; phơi liên tiếp trong thời gian 10 -15 ngày tùy thuộc vào các tập đoàn san hô nhỏ hay lớn. Sau đó tiếp tục ngâm bằng nước sôi, rửa bằng nước ngọt pha thuốc tẩy javen và tiếp tục phơi cho đến khi các tập đoàn san hô khô, không có mùi. Sau khi san hô được xử lý, sử dụng các miếng nhựa mỏng màu trắng viết bằng bút dạ đen hoặc giấy dầu viết bằng bút chì để ghi số ký hiệu, dùng dây buộc vào các mẫu của khối, tập đoàn san hô, sau đó tiến hành ngâm mẫu trong dung dịch formalin 37% trong 3 tuần sau đó đem san hô ra phơi nắng và bảo quản khô.

Bảo quản mẫu lâu dài: Bảo quản mẫu trong phòng có nhiệt độ ổn định như 19-24oC là tốt nhất. Thường xuyên theo dõi sự xâm hại của các loài vi khuẩn ở những bề mặt của lớp da khô. Các lọ nút mài trước khi nắp dùng mỡ vazơlin (vaseline) bôi xung quanh rồi xoáy lại thật chặt. Định kỳ kiểm tra và thay hóa chất đã bị hư hỏng. Thay thế hóa chất cồn 90 độ định kỳ 1 năm/lần.

Hình ảnh về xử lý và bảo quản mẫu lâu dài tại phòng lưu mẫu sinh học - Chi nhánh Ven biển.

Tin bài và ảnh: Đinh Thị Hải Yến, Phòng Sinh thái nhiệt đới Chi nhánh Ven biển