TextBody

Phòng sinh thái nhiệt đới

Trưởng phòng: Trung tá, TS. Vũ Việt Dũng


GIỚI THIỆU CHUNG
Phòng Sinh thái nhiệt đới là một đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; được thành lập năm 1989; có chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sinh thái nước.  
CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHÍNH
- Nghiên cứu tổ chức cấu trúc-chức năng của các hệ sinh thái biển ven bờ (tập trung khu vực Phú Yên, Khánh Hoà) phục vụ bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững: nghiên cứu các quần xã cộng sinh trên san hô và các nhóm sinh vật đáy mềm; nghiên cứu phát triển phôi của các loài cá có giá trị kinh tế cao dùng trong nuôi thủy sản; sự phát triển tuyến sinh dục và các giai đoạn phát triển phổi của cá rạn san hô; hiện tượng ký sinh trùng nhiễm trên trứng và cá biển…
- Nghiên cứu đa dạng phân loại, sinh thái học và tập tính của thủy sinh vật nước ngọt: cá, sinh vật phù du, sinh vật đáy... tại sông, hồ chứa, thủy vực khác.
- Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm một số loài sinh vật có giá trị: cá ngựa đen, cá mú nghệ, tôm thẻ chân trắng, một số loại rong biển…
- Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen một số loài sinh vật biển có giá trị như: sá sùng (Sipunculus nudus), nhum sọ (Tripneustes gratilla), hải sâm đen (Holothuria scabra), bào ngư vành tai (Haliotis asinina), trai tai tượng họ Tridacnidae, cá ngựa đen…
- Nghiên cứu nuôi trồng, phục hồi san hô nhân tạo tại khu vực Đầm Báy.  
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ

Phòng Sinh thái nhiệt đới được trang bị hệ thống phòng thí nghiệm gồm phòng thí nghiệm tại trụ sở Chi nhánh Ven biển và khu vực nghiên cứu, thử nghiệm tại Trạm Nghiên cứu thử nghiệm biển (Đầm Báy), với gần 100 đầu mục thiết bị, máy móc, dụng cụ, vật tư các loại phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Ngoài ra, có 01 phòng trưng bày các mẫu sinh vật biển (bao gồm các loại cá, thân mềm, giáp xác và san hô).

Khu vực nuôi trồng trong nhà mái che tại Trạm Nghiên cứu thử nghiệm biển (Đầm Báy)

Hệ thống lồng, bè nuôi trên biển

Phòng trưng bày mẫu

Trồng và phục hồi san hô tại khu vực Trạm NCTN biển.

KẾT QUẢ CHÍNH
- Các nghiên cứu cơ bản về tổ chức cấu trúc-chức năng của các hệ sinh thái biển ven bờ và đa dạng phân loại, sinh thái học và tập tính của thủy sinh vật nước ngọt đã thu được nhiều dữ liệu khoa học quan trọng về kết quả nghiên cứu, đã công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học, trong đó có trên 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus/VAK; một số atlas, chuyên khảo, bộ sưu tập mẫu các loài thuỷ sinh vật.
- Quy trình kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài sinh vật biển có giá trị như: cá ngựa đen, cá mú cọp, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, rong sụn, rong nho...
- Quy trình sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen epinephelus coioides cái giai đoạn từ ấp trứng đến giai đoạn cá giống.
- Quy trình nuôi bảo tồn, lưu giữ nguồn gen một số loài sinh vật biển quý hiếm như: sá sùng, nhum sọ, hải sâm đen, bào ngư vành tai, trai tai tượng, cá ngựa đen… 
- Quy trình trồng san hô trên các giá thể reef ball, đã trồng hơn 1000 tập đoàn san hô thuộc 5 loài khác nhau trên các giá thể nhân tạo khác nhau, sử dụng làm nguồn giống và nghiên cứu cơ bản. 
- Bước đầu tạo đàn cá mú nghệ bố mẹ tại khu vực nuôi trồng tại Trạm Nghiên cứu thử nghiệm biển Đầm Báy.
- Bộ tiêu chuẩn cơ sở TCQS 79:2023/NĐVN, cá ngựa đen - yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra.

HÌNH THỨC HỢP TÁC
- Hợp tác trực tiếp với các tổ chức nghiên cứu khoa học của LB Nga thực hiện các nghiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt trong lĩnh vực sinh thái nước.
- Hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, khảo sát về đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước mặn và nước ngọt phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Phòng và nhu cầu của đối tác.

 

Các đơn vị