Phòng Sinh thái nước
Trưởng phòng: Trung tá, TS. Trần Quốc Hoàn
Phòng Sinh thái nước được thành lập năm 2002, thuộc Phân viện Sinh thái nhiệt đới, từ năm 2009 là Viện Sinh thái nhiệt đới. Ban đầu, Phòng chỉ có 02 cán bộ, nhân viên; sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Phòng đã có lực lượng cán bộ nghiên cứu được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao. Phòng đã chủ trì và tham thực hiện nhiều đề tài các cấp trên hướng sinh thái nước đạt kết quả tốt, được công bố trên các tạp chí quốc gia và quốc tế uy tín.
CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHÍNH
- Nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức cấu trúc - chức năng của các hệ sinh thái nước; lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học.
- Nghiên cứu các đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái-tiến hóa các nhóm loài thủy sinh vật (cá, thân mềm, giáp xác, nguyên sinh vật…).
- Đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và nhân sinh tới thủy sinh vật ở các cấp độ khác nhau (cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái).
- Đánh giá hiện trạng sinh thái các thủy vực nước ngọt, các hệ sinh thái biển ven bờ và đảo xa. Nghiên cứu sử dụng thủy sinh vật làm chỉ thị chất lượng môi trường nước.
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ
Hệ thống phòng thí nghiệm sinh học, sinh học phân tử và hóa môi trường với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ:
- Thiết bị phân tích tại phòng thí nghiệm: Hệ thống sắc ký khối phổ Agilent 5977B GC/MS, Hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC Agilent 1260 Infinity II LC, máy phân tích nguyên tố CHNS/O Thermo Scientific 11206125, máy đo quang phổ UV-VIS, kính hiển vi điện tử quét JEOL JSM-IT200, kính hiển vi huỳnh quang Olympus BX53, kính soi nổi Olympus SZX16, hệ thống thiết bị sinh học phân tử (máy PCR, máy ly tâm, máy soi và chụp ảnh gel điện di, các tủ lạnh và tủ âm sâu lưu mẫu…).
- Thiết bị phân tích và thu mẫu hiện trường: Robot lặn sâu RB–300, máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu Hanna HI 9829, máy đo nhanh các chỉ tiêu kim loại nặng HM 1000, gàu lấy mẫu bùn trầm tích tầng sâu Wildco 1775-A10, các thiết bị thu mẫu nước theo tầng, các loại vợt thu mẫu phiêu sinh vật, máy dò cá và các loại lưới thu mẫu cá, các thiết bị lặn SCUBA…
KẾT QUẢ CHÍNH
Hằng năm, Phòng Sinh thái nước chủ trì và tham gia thực hiện 8-10 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp với kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc gia và quốc tế uy tín; những năm gần đây, hằng năm công bố 4-6 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus, 2-3 bài báo trên tạp chí quốc gia. Một số kết quả chính:
- Khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học, đặc điểm sinh thái các nhóm sinh vật biển (san hô, cá rạn, thân mềm, động vật đáy, sinh vật cộng sinh…) tại khu vực biển quần đảo Trường Sa: đã phát hiện, bổ sung nhiều loài sinh vật mới chưa từng được ghi nhận, trong đó có 18 loài động vật thân mềm, cùng hàng chục loài cá rạn san hô; triển khai trồng phục hồi rạn san hô trên các giá thể nhân tạo với diện tích hàng nghìn m2; đề xuất nhiều giải pháp, nhóm giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực quần đảo Trường Sa.
- Đã khảo sát đánh giá được hiện trạng và xây dựng mô hình quản lý môi trường và đa dạng sinh học các khu vực quân sự.
- Khảo sát đa dạng sinh học, hiện trạng môi trường khu vực biển tỉnh Phú Yên và đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển của tỉnh;
- Đánh giá được ảnh hưởng của môi trường đến đa dạng thành phần loài và mức độ phong phú của động vật thân mềm tại vùng biển ven bờ một số tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh và Ninh Thuận);
- Đánh giá đa dạng thành phần loài và sự phân chia cấu trúc quần thể các loài cá rạn và loài cá có giá trị kinh tế tại các khu vực biển Cát Bà và Thổ Chu;
- Đánh giá đặc điểm hình thái tế bào máu và chỉ tiêu huyết học của các loài cá phổ biến tại khu vực biển miền Trung (Hà Tĩnh) có nguy cơ ô nhiễm do xả thải;
- Xác định thành phần các loài ốc độc tại một số khu vực biển đảo của Việt Nam;
- Đánh giá đa dạng loài, sự phân bố và các đặc điểm sinh học, sinh thái học nhóm trùng chân giả có vỏ (testate amoebae) trong các thủy vực tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
HÌNH THỨC HỢP TÁC
- Hợp tác trực tiếp với các tổ chức nghiên cứu khoa học của LB Nga thực hiện các nghiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt trong lĩnh vực sinh thái nước.
- Hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, điều tra, đánh giá và kiểm kê đa dạng sinh học; tư vấn các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thủy sinh vật, các giải pháp và công nghệ kiểm soát, quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường nước, phục hồi các hệ sinh thái nước bị ô nhiễm và suy thoái; phân tích và giám định các loài thủy sinh vật bằng phương pháp hình thái và kỹ thuật sinh học phân tử.