TextBody

Phòng Y sinh nhiệt đới

Trưởng phòng: Thượng tá, TS. Lương Thị Mơ


GIỚI THIỆU CHUNG

Phòng Y sinh nhiệt đới là đơn vị thuộc Chi nhánh Phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, được thành lập năm 1992; có chức năng nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu về y sinh nhiệt đới.

CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHÍNH
- Nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm truyền từ động vật sang người, vật chủ - trung gian truyền bệnh, phát triển các nghiên cứu chuyên sâu về tác nhân gây bệnh cho người sử dụng phương pháp sinh học phân tử. 
- Nghiên cứu tác động lâu dài của chất độc da cam/dioxin đến sức khỏe con người ở mức độ phân tử.
- Tìm kiếm các hợp chất từ thiên nhiên (vi sinh vật, thực vật, động vật) có giá trị ứng dụng trong nghiên cứu y sinh học, các hợp chất có tác dụng trong phòng chống trung gian truyền bệnh (ký sinh trùng, côn trùng).
- Phân lập, sàng lọc và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng ứng dụng trong một số quá trình công nghệ sinh học.
- Tham gia xét nghiệm phát hiện các tác nhân gây bệnh mới nổi hoặc tái xuất hiện bằng phương pháp sinh học phân tử. 
- Tham gia công tác đào tạo, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhu cầu hiện tại.
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ

Phòng Y sinh nhiệt đới được trang bị hệ thống phòng thí nghiệm tương đối đồng bộ và hiện đại phục vụ nghiên cứu về sinh học phân tử, vi sinh, hóa sinh, phòng xét nghiệm SARS-CoV-2… được trang bị nhiều máy móc, thiết bị dụng cụ của các hãng sản xuất có uy tín như Qiagen, Biorad, Thermo Scientific, BiOptic, Cleaver Scientific, Mettler Toledor, Eppendorf, Heidolph…

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHÍNH
Chủ trì trên 20 đề tài, nhiệm vụ KH&CN các cấp. Một số đề tài có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu cơ bản và thực tiễn, điển hình như:
- Nghiên cứu tổng thể các khía cạnh về bệnh dịch hạch tại Việt Nam cho kết quả của phản ánh bức tranh toàn cảnh về cấu trúc không gian - sinh cảnh - đường lây truyền mầm bệnh, cũng như tác động của yếu tố kinh tế - xã hội đến sự lưu hành của bệnh dịch hạch. Kết luận của đề tài khẳng định tại Việt Nam không tồn tại ổ dịch hạch thiên nhiên, chỉ tồn tại ổ dịch hạch gần người, xuất hiện trong quá trình hoạt động sống của xã hội, điều này có giá trị quan trọng trong công tác dự phòng và giám sát bệnh truyền từ động vật sang người.
- Xác định sự lưu hành của một số Arbovirus (dengue, Zika, Chikungunya) trong quần thể véc-tơ truyền bệnh (muỗi) và cộng đồng dân cư tại một số tỉnh biên giới Tây Nam, làm rõ vai trò của véc-tơ truyền bệnh, đề xuất các giải pháp phòng chống, chẩn đoán và điều trị bệnh có hiệu quả nhằm giảm thiểu gánh nặng cho nền y tế công cộng, đảm bảo sức khỏe bộ đội và nhân dân.  
- Đề tài nghiên cứu về mối tương quan giữa locus di truyền trong hệ gen của người Việt Nam và sức chống chịu đối với một số bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở khu vực nhiệt đới mở ra hướng nghiên cứu mới trong đề xuất phương pháp điều trị, dự phòng.  
- Kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe của cư dân sinh sống tại vùng phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin là cơ sở để Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chính quyền địa phương đề xuất các biện pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. 
- Phối hợp với Viện Y sinh nhiệt đới nghiên cứu xây dựng phương pháp chẩn đoán, điều trị, dự phòng và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; nghiên cứu về khả năng thích nghi của phi công Việt Nam trong quá trình sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại do LB Nga sản xuất nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và an toàn bay.
- Áp dụng quy trình công nghệ sinh học trong xử lý môi trường như sử dụng chế phẩm NV1 trong xử lý rác thải sinh hoạt, quy trình xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas có giá trị thực tiễn trong đời sống, mang lại môi trường xanh sạch, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
- Xây dựng và được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time RT-PCR; thực hiện các xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, góp phần hỗ trợ hỗ trợ các đơn vị trong và ngoài quân đội chống dịch hiệu quả.
HÌNH THỨC HỢP TÁC
- Phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài quân đội trong nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm truyền từ động vật sang người.
- Hợp tác với một số đơn vị nghiên cứu của LB Nga về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ của TTNĐ Việt-Nga.

 

Các đơn vị