Quản lý và phục hồi rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng

11/10/2023

Giải pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng trên cơ sở tiếp cận cảnh quan được đánh giá là phương thức phù hợp, hiệu quả trong bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên. Vừa qua, trong khuôn khổ nội dung thực hiện, đề tài: “Nghiên cứu giải pháp phục hồi rừng tự nhiên trên cơ sở tiếp cận cảnh quan tại khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai” đã tổ chức các buổi tham vấn, tiếp xúc cộng đồng tại xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Với một khu Bảo tồn thiên nhiên và ba công ty lâm nghiệp trên địa bàn, Sơn Lang là địa phương cấp xã có độ che phủ rừng cao bậc nhất trên phạm vi cả nước. Những năm qua, công tác quản lý rừng ở địa bàn xã đã đạt được những kết quả nhất định, duy trì độ che phủ và cải thiện chất lượng nhiều diện tích rừng. Tuy nhiên, việc quản lý rừng trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, chưa phát huy được vai trò, tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng trong quản lý và phục hồi rừng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, phục hồi rừng tự nhiên, nhóm nghiên cứu đề tài thuộc Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã triển khai mô hình quản lý thí điểm trên cơ sở tiếp cận cảnh quan, lấy cộng đồng địa phương là trung tâm tại các thôn Hà Lâm và thôn Điện Biên thuộc xã Sơn Lang.

Các buổi tham vấn, tiếp xúc cộng đồng được tổ chức liên tục từ 08 - 12/9/2023 tại khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với sự phối hợp của cán bộ khu bảo tồn và sự tham gia của đại diện các nhóm hộ thôn Hà Lâm, thôn Điện Biên.

Đồng chí Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng phát biểu tại buổi tham vấn (ngày 08/9/2023).

Để cộng đồng chủ động hơn trong việc tham gia bảo vệ, phục hồi rừng, nhóm nghiên cứu đã tư vấn cho cán bộ quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, hướng dẫn, đồng hành cùng cộng đồng xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa kế hoạch, nội dung bằng văn bản, trong đó các hộ gia đình đều tham gia, nắm bắt thông tin và thực hiện. Trong kế hoạch bảo vệ và phục hồi rừng bao gồm các nội dung về: cộng đồng tự xác định tình trạng khu vực khoán của mình, những khu nào cần được quan tâm quản lý, bảo vệ nhiều hơn; cộng đồng tự xác định thời gian phù hợp để tuần tra bảo vệ rừng căn cứ vào nhu cầu cần được bảo vệ của khu vực và tính mùa vụ; quy định những việc được làm và không được làm tại khu rừng giao khoán; quy định tiêu chí khen thưởng, xử phạt trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu cũng đã xây dựng sổ tay cho cộng đồng và lực lượng bảo vệ rừng, các thông tin trao đổi giữa các cộng đồng địa phương và Ban quản lý khu bảo tồn được ghi chép để đánh giá hiệu quả của mô hình.

TS. Giang Văn Trọng - Thành viên nhóm nghiên cứu trao đổi, hướng dẫn kế hoạch  thực hiện các nhóm hộ thôn Hà Lâm (ngày 11/9/2023).

Kết quả các buổi tham vấn cộng đồng đã đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao của các bên tham gia trong thực hiện giải pháp và mô hình thí điểm về quản lý, phục hồi rừng dựa vào cộng đồng trên địa bàn xã Sơn Lang, thuộc khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Nội dung triển khai thí điểm sẽ kéo dài từ nay đến năm 2025. Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn xem xét, đánh giá định kỳ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những bất cập, thiếu sót. Mô hình dự kiến được đánh giá, tổng kết vào cuối năm 2025./.

Tác giả: Nguyễn Hữu Hiệp và nhóm nghiên cứu