<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Rẽ mỏ thìa

18/08/2023

Rẽ mỏ thìa- Calidris pygmeus (Linnaeus, 1758) loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn
Đặc điểm nhận dạng: 
Tên phổ thông: Rẽ mỏ thìa - Spoonbill Sandpiper
Tên khoa học: Calidris pygmeus (Linnaeus, 1758), thuộc họ Rẽ (Scolopacidae), bộ Rẽ (Charadriformes). 

Loài chim có kích thước tương đối nhỏ, chiều dài cơ thể khoảng 15cm. Cá thể trưởng thành ngoài mùa sinh sản có phần trên cơ thể màu xám nâu nhạt điểm các sọc đen. Viền mắt, trán và phần thân dưới màu trắng. Các cá thể trưởng thành trong mùa sinh sản có đầu, cổ và ngực màu nâu đỏ xen các vệt màu nâu sẫm. Phần trên cơ thể màu đen với các lông bao cánh màu hung nâu. Chim non có màu sắc gần giống với cá thể trưởng thành ngoài mùa sinh sản, nhưng phần trên cơ thể có màu tối hơn, đầu và hai bên tai đậm màu hơn. Mỏ có cấu tạo rất đặc trưng như hình chiếc thìa, phần chóp mỏ dẹt và phình rộng ra khác với những loài thuộc giống Calidris. Ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận các cá thể Rẽ mỏ thìa có bộ lông ngoài mùa sinh sản.

Hiện trạng bảo tồn:

Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN, 2021), Rẽ mỏ thìa là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR).

Rẽ mỏ thìa có quần thể cực kỳ nhỏ. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, bằng phương pháp mô hình Lincoln-Peterson được lặp lại 10 lần trong giai đoạn từ 2014 đến 2019 với độ chính xác 95%, trên toàn thế giới có khoảng 360 đến 620 cá thể (Green và cộng sự, 2021). Với giới hạn dưới được cho là hiện nay đã giảm xuống dưới 250 cá thể trưởng thành trong quần thể và đang bị suy giảm nhanh chóng liên tục vượt quá 25% trong một thế hệ. Nguyên nhân chính khiến loài này bị suy giảm là mất các môi trường, sinh cảnh sống trong mùa sinh sản và khu vực kiếm ăn trong mùa di cư, cũng như các hoạt động săn bắt trong mùa di cư tại các điểm dừng chân.

  Rẽ mỏ thìa - Calidris pygmeus.

Phân bố:

Là một trong những loài chim nước di cư điển hình. Vùng sinh sản của loài chim Rẽ mỏ thìa được xác định nằm ở vùng đông bắc nước Nga dọc theo bờ biển Bering của bán đảo Chukotsk, xuống phía nam bán đảo Kamchatka (BirdLife International 2001, Zoeckler & Lappo, 2008). Sau khi sinh sản chim mái rời đi trước, di cư về phía nam, chim trống và chim non di cư sau vài tuần. Đường di cư của Rẽ mỏ thìa xuống vùng bờ biển phía tây Thái Bình Dương qua Nga, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đến các khu vực trú đông chính ở miền nam Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh và Myanmar cho đến khoảng tháng 3 - 4 chúng có hành trình ngược lại về vùng đông bắc nước Nga khi băng ở các đài nguyên tan để tiếp tục sinh sản (Zöckler và cộng sự, 2016). Ở Việt Nam, ghi nhận sự xuất hiện của loài này tại một số địa điểm vào mùa di cư như bãi biển Cần Giờ - TPHCM; Gò Công - Tiền Giang, Nghĩa Hưng - Nam Định…

Đặc điểm sinh học, sinh thái:

Thời gian cặp đôi, làm tổ và sinh sản của Rẽ mỏ thìa vào khoảng tháng 6 đến tháng 7. Chúng sinh sản theo các cặp đôi đơn lẻ hoặc các đàn rời rạc. Tổ được làm trên mặt đất ở các khu vực đầm phá có các thảm thực vật như địa y, bạch dương lùn, liễu. Trong mùa sinh sản các khu vực cửa sông, bãi bồi là nơi kiếm ăn của các cá thể trưởng thành. Mỗi lứa Rẽ mỏ thìa thường đẻ 4 trứng, con non nở sau 19 đến 23 ngày. Chim non rời tổ trong vòng một ngày sau khi nở và ngay lập tức tự kiếm ăn. Chim trống chăm sóc chim non trong khoảng 20 ngày sau đó. Trong giai đoạn di cư, sinh cảnh sống chủ yếu của loài là các bãi bồi thủy triều pha cát, nước nông, chủ yếu ở phần ngoài cùng của châu thổ sông và các đảo, nơi có hàm lượng cát cao hơn và lớp bùn mỏng bên trên. Ở những khu vực ven biển, môi trường sống chủ yếu của loài ở các đầm muối (Zöckler và cộng sự, 2008). 

Rẽ mỏ thìa thường kiếm ăn chung với các đàn rẽ cỡ nhỏ khác ở một số bãi triều ngập nước. Chúng là loài kiếm ăn khá năng động, với các động tác lia mỏ nhanh nhẹn, vừa chạy vừa quan sát để bắt mồi. Thức ăn của Rẽ mỏ thìa gồm nhiều loại ấu trùng và động vật không xương sống trưởng thành, đặc biệt là muỗi vằn, muỗi, ruồi, bọ cánh cứng, nhện và một số loại hạt nhỏ (Kelly và cộng sự, 2018, Van Gils và cộng sự, 2020). Trên bãi trú đông và trong quá trình di cư, chúng ăn nhiều loại động vật không xương sống ở biển bao gồm giun nhiều tơ hay tôm.

Đề xuất một số biện pháp bảo tồn:

Tiến hành khảo sát các địa điểm sinh sản, trú đông của loài, xác định các địa điểm chính trong đường bay di cư để đảm bảo việc bảo vệ chúng. Đảm bảo việc giữ nguyên hiện trạng, không khai hoang các vùng đầm phá ở khu vực sinh sản và các bãi bồi ngập triều dọc theo toàn bộ tuyến đường di cư. Khôi phục lại các khu vực đất ngập nước đã bị khai hoang. Xác định và giảm thiểu áp lực tại các bãi đẻ.

Cấm mọi hình thức săn bắn, đặt lưới, bẫy các loài chim hoang dã. Nâng cao nhận thức bảo tồn trong cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến thúc đẩy cơ hội cho những người từng là thợ săn trở thành người dẫn đường cho chim. Ngăn chặn việc thu gom trứng dưới mọi hình thức. 

Tin bài và ảnh: Phạm Hồng Phương, Viện Sinh thái nhiệt đới/TTNĐ Việt - Nga