Sâm đất: Loài hải sản quý cần bảo tồn
17/06/2024Sâm đất - Phascolosoma arcuatum (Gray 1828) là hải sản quý, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, sử dụng làm thực phẩm bổ dưỡng, chúng cũng có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đối với rừng ngập mặn, Sâm đất cũng giống như giun đất, làm lớp đất bùn tơi xốp tạo điều kiện cho lớp thực vật rừng phát triển. Việc khai thác quá mức khiến Sâm đất ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, muốn đánh bắt loài động vật này, người khai thác phải đào bới đất dẫn tới đứt rễ cây gây ảnh hưởng đến sức sống của cây rừng. Chính vì vậy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã xếp Sâm đất vào danh mục động vật rừng quý trên địa bàn thành phố và bị cấm khai thác, sử dụng. Hiện nay, chưa có công bố nào về xây dựng được quy trình sinh sản nhân tạo loài Sâm đất. Do đó, cần quan tâm đến các giải pháp bảo tồn và phát triển loài này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như phát triển kinh tế. Qua thực tế nghiên cứu về loài Sâm đất (Phascolosoma arcuatum, Gray 1828) tại rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và tổng quan tài liệu của một số nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga giới thiệu bài thông tin về đặc điểm phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái và khuyến cáo một số biện pháp bảo tồn loài Sâm đất.
Đặc điểm nhận dạng:
Tên phổ thông: Sâm đất, còn có tên gọi khác: địa sâm, đồn đột, chặt khoai
Tên khoa học: Phascolosoma arcuatum (Gray 1828), thuộc họ Phascolosomatidae.
Sâm đất có cơ thể hình giun nhưng không có các đốt giống như giun đốt. Chúng có da thô, sần sùi, màu nâu nhạt hoặc vàng nhạt, nổi lên rõ rệt những gai lớn, màu đen. Cơ thể chia làm 2 phần. Phần đầu nhỏ có vòi. Lỗ miệng và vành xúc tu ở tận cùng của vòi. Phía dưới vành xúc tu là các hàng gai kitin bé, nhọn. Hình dạng, kích thước, số lượng gai là đặc điểm quan trọng trong phân loại chi Phascolosoma. Vòi co ngắn hoặc vươn dài ra tùy theo hoạt động vận chuyển hay lấy thức ăn của cơ thể. Phần thân cũng co ngắn lại hoặc kéo dài ra như phần đầu. Mặt lưng và mặt bụng được phân biệt bằng vị trí của lỗ hậu môn. Lỗ hậu môn ở khoảng giữa cơ thể (giữa phần vòi và phần thân), hình khe dọc, sẫm màu, dễ phát hiện và nằm ở phía lưng. Sự vận chuyển của Sâm đất dựa vào hoạt động của bao cơ và dịch thể xoang. Bao cơ có các cơ co rút phía bụng, phía lưng và các dải cơ dọc thành cơ thể. Dịch thể xoang được chứa trong xoang cơ thể (Cutler, E. B., 1994).
Sâm đất (Phascolosoma arcuatum) tại rừng ngập mặn Cần Giờ
Phân bố:
Loài Phascolosoma arcuatum phân bố tập trung ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, Đảo Andaman, Miền Nam Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Miền Bắc Australia. Chúng sống ở vùng triều, tập trung ở vùng triều giữa và triều cao trong nền đáy sét bùn của rừng ngập mặn. Chúng đào hang trong đất để tạo không gian sống. Chúng có thể chịu đựng được trong một khoảng thời gian khi đưa ra khỏi môi trường đất ẩm và cũng được tìm thấy ở vùng nước lợ (ví dụ vùng cửa sông ven biển) xung quanh mức triều cao (Cutler E. B., 1994, Pagola-Carte S. & Saiz-Salinas J.I., 2000). Ở Việt Nam, ghi nhận sự xuất hiện của loài này tại một số địa điểm như vùng triều Quảng Ninh (Tiên Yên, Móng Cái), Bến Tre và Cần Giờ.
Năm 2014, nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã thực hiện khảo sát đặc điểm sinh thái môi trường của loài Sâm đất tại rừng ngập mặn Cần Giờ, kết quả cho thấy: Sâm đất phân bố trong vùng có mức ngập dưới 1 m, với tỷ lệ thời gian ngập thấp hơn 30%, độ cao địa hình từ 0,8 m đến 1,7 m.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Quá trình sinh sản của Sâm đất diễn ra phức tạp. Các sản phẩm sinh dục được hình thành trong thể xoang và được đưa ra ngoài theo đường bài tiết (Cutler E. B., 1994). Kết quả nghiên cứu của tác giả Edmonds S. J. (2000) về đặc điểm sinh sản của Sâm đất cho thấy đây là loài đơn tính, có phương thức thụ tinh ngoài. Trứng và tinh trùng thành thục được phóng ra ngoài môi trường nước và tiến hành quá trình thụ tinh. Trứng sau khi thụ tinh được phân cắt xoắn ốc và phát triển thành ấu trùng luân cầu (trochophora) trong khoảng thời gian 3 ngày. Sau đó đến giai đoạn ấu trùng biến thái (ấu trùng pelgospheric) sống trôi nổi trong môi trường nước với thời gian khoảng một tháng rồi chuyển dần xuống đáy giống như dạng cá thể trưởng thành. Ở giai đoạn ấu trùng pelagospheric chúng đã có khả năng dinh dưỡng ngoài.
Sâm đất sống vùi trong nền đáy cát - bùn, ăn các chất mùn bã hữu cơ lắng đọng trong trầm tích thông qua vòi. Vòi của chúng có thể nhìn thấy vào ban đêm khi chúng tìm kiếm thức ăn.
Đề xuất một số biện pháp bảo tồn:
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của Sâm đất, xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo Sâm đất. Tích cực trồng rừng hỗn giao để vừa tạo sinh cảnh phong phú cho Sâm đất phát triển, vừa bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Cấm mọi hình thức khai thác Sâm đất trong rừng ngập mặn, nghiêm khắc xử lý các trường hợp khai thác Sâm đất trái phép. Tăng cường hoạt động tuần tra, bảo vệ tại các khu vực có Sâm đất phân bố. Tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân địa phương về tác hại của việc khai thác Sâm đất đối với hệ sinh thái rừng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ sinh cảnh của Sâm đất.
Tin bài và ảnh: Hồng Thắm( CNPN)
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ