Seminar khoa học về “Các chất hoạt động bề mặt chứa Flo”

04/01/2024

Ngày 02 tháng 01 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Phía Nam/ Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức Seminar khoa học với chủ đề: “Các chất hoạt động bề mặt chứa Flo”. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa Chi nhánh Phía Nam với phía Nga thực hiện đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ do Ủy ban phối hợp về TTNĐ Việt - Nga phê duyệt: “Phát triển công nghệ chế tạo vật liệu bảo vệ chống ăn mòn khí quyển hiệu quả cao bằng cách sử dụng nguyên liệu gốc thực vật và các chất hoạt động bề mặt chứa Flo”, mã số T-1.16, do Chi nhánh Phía Nam là đơn vị chủ trì, TS. Hoàng Đức Quang và GS, TSKH. Gaidar S.M là đồng chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Phía Nam chủ trì buổi Seminar, tham dự có các cán bộ nghiên cứu thuộc đoàn công tác của Trường Đại học Nông nghiệp Liên bang Nga mang tên K.A. Timiryazeva và các cán bộ khoa học của Chi nhánh Phía Nam.

Tại buổi seminar, GS, TSKH. Gaidar S.M đã trình bày báo cáo liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tổng hợp các chất hoạt động bề mặt chứa Flo trong điều kiện phòng thí nghiệm và sản xuất ở quy mô công nghiệp tại Liên bang Nga; giới thiệu về tính chất, phạm vi ứng dụng rộng lớn cũng như tính thương mại của các sản phẩm trên cơ sở chất hoạt động chứa Flo: khả năng chống lão hóa cho vật liệu phi kim loại như cao su, nhựa; khả năng chống dính, kỵ nước; khả năng chống ma sát, chống mài mòn và gia tăng độ bền cho các chi tiết kim loại làm việc ở chế độ chịu tải cao …

GS, TSKH. Gaidar S.M trình bày báo cáo tại buổi Seminar.

Báo cáo cũng trình bày những kết quả thực hiện đề tài năm 2023, theo đó đã tập trung nghiên cứu, đánh giá tính chất chống bám dính và chống ma sát của các chất hoạt động bề mặt chứa Flo cũng như các hình thức, phương pháp ứng dụng chúng trong thực tế. Kết quả cho thấy, các chất hoạt động bề mặt chứa Flo và các sản phẩm trên cơ sở chúng có khả năng chống ma sát và chống bám dính cao. 

Thử nghiệm sự hình thành cặn trên bề mặt chi tiết bên trong của hệ thống nhiên liệu động cơ УИТ-65.

Dạng hình thành cặn trên các tấm sau 1, 2, 3 chu kỳ thử nghiệm:

A- Các tấm thử nghiệm với nhiên liệu thông thường (Đối chứng)

B- Các tấm thử nghiệm với nhiên liệu đã được biến tính bằng chất hoạt động bề mặt chứa Flo.

A) Tình trạng bề mặt thành xi lanh.

B) Tình trạng bề mặt của cổ trục khuỷu và ổ trục chính.

Hình ảnh thử nghiệm vận hành dầu động cơ M10G2 có bổ sung chất hoạt động bề mặt chứa Flo trên động cơ Д-240 trong điều kiện sản xuất nông nghiệp.

Các thành viên tham dự thảo luận tại buổi Seminar.

Bên cạnh báo cáo tại buổi seminar, trong đợt công tác tại Việt Nam, các cán bộ khoa học thuộc đoàn công tác của Trường Đại học Nông nghiệp Liên bang Nga mang tên K.A. Timiryazeva và Chi nhánh Phía Nam phối hợp thực hiện các nội dung của đề tài với các nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm tự nhiên tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm Cần Giờ. Hai bên cũng chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm tổng hợp các chất hoạt động bề mặt chứa Flo trong khuôn khổ đề tài T-1.16 giai đoạn 2020-2024 và định hướng phát triển ứng dụng sản phẩm trong giai đoạn 2025-2029.

Tổng hợp và thử nghiệm tính chất của chất hoạt động bề mặt chứa Flo tại Phòng thí nghiệm CNPN/TTNĐ Việt - Nga

GS, TSKH Gaidar S.M và nhóm thực hiện đề tài T-1.16 tiến hành phơi mẫu và kiểm tra mẫu thử nghiệm tự nhiên tại Trạm NC,ƯD&TN Cần Giờ.

Tin bài:  Hoàng Đức Quang