Số lượng hổ tăng 250% - Thành công trong bảo tồn hổ tại Thái Lan

01/08/2024

Theo một nghiên cứu mới của cơ quan quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn động thực vật hoang dã (DNP - Department of National Parks, Wildlife and Plant Conservation) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS - Wildlife Conservation Society) Thái Lan, số lượng hổ tại Thái Lan đã tăng 250% trong giai đoạn 15 năm từ 2007 đến 2023.

Hổ tại khu vực nghiên cứu. Nguồn: WCS Thái Lan.

Nghiên cứu này được thực hiện tại WEFCOM[*]- Khu phức hợp rừng phía Tây Thái Lan và công bố trên tạp chí Global Ecology and Conservation.

Một nghiên cứu đi kèm cũng chỉ ra rằng, ngoài hổ, số lượng các loài móng guốc đang bị đe dọa như hươu và bò rừng - con mồi chính của hổ - cũng tăng gấp đôi trong Khu Bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng, một trong ba khu vực được bảo vệ chính trong khu phức hợp rừng này.

Bà Pornkamol Jornburom, giám đốc WCS Thái Lan và cũng là một trong những nhà sinh vật học tham gia nghiên cứu cho biết, WEFCOM là khu vực có đa dạng sinh học phong phú với khoảng 150 loài động vật có vú, 490 loài chim và 90 loài bò sát. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài nguy cấp như voi châu Á, chim hồng hoàng và bò rừng banteng. Những kết quả tích cực gần đây cho thấy việc quản lý hiệu quả trong hơn một thập kỷ bảo tồn đã mang lại thành công. Bà cũng hy vọng WEFCOM sẽ trở thành hình mẫu cho các chương trình bảo tồn khác.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển quần thể hổ, cần có sự chung tay của cộng đồng và áp dụng thêm công nghệ hỗ trợ. Với nhiều cuộc tuần tra và đầu tư tài chính hơn, quần thể hổ ở WEFCOM có thể tiếp tục phát triển, bà Jornburom hy vọng các công viên quốc gia khác cũng sẽ áp dụng mô hình này để bảo vệ quần thể hổ của họ.

Nghiên cứu ghi nhận 67 cá thể hổ con trong giai đoạn 2013-2023 – một dấu hiệu tích cực cho thấy quần thể hổ tại đây đang sinh sản và phát triển. (Nguồn: WCS Thái Lan).

Năm 2007, các nhà bảo tồn đã lắp đặt camera bẫy ảnh để thu thập dữ liệu và đánh giá số lượng hổ trong ba khu vực bảo vệ chính. Các cá thể hổ được nhận dạng qua các sọc của chúng, giống như dấu vân tay của con người.

Theo khảo sát gần đây nhất của DNP, số lượng hổ trưởng thành tại Thái Lan đã tăng từ 148 - 189 năm 2022 lên khoảng từ 179 - 223 cá thể hiện tại.

Trong khi câu chuyện thành công của Thái Lan mang lại hy vọng thì triển vọng cho toàn khu vực không mấy lạc quan. Hổ, từng phổ biến khắp Đông Nam Á, đã tuyệt chủng ở Singapore, Java và Bali trong thế kỷ 20; và gần đây cũng biến mất khỏi tự nhiên ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện tại, chỉ còn các quần thể hổ nhỏ ở Myanmar, đảo Sumatra của Indonesia và bán đảo Malaysia, nơi mà các nhà bảo tồn đang lo lắng sau một loạt các vụ chết của hổ gần đây.

Theo ông Stuart Chapman, lãnh đạo của tổ chức Sáng kiến Tiger Alive của WWF, hổ là loài “phụ thuộc vào bảo tồn" và cần có sự can thiệp liên tục để bảo vệ chúng khỏi mối đe dọa từ săn bắn trái phép. Ông cũng nhấn mạnh, số lượng hổ ở Đông Nam Á đã thấp đến nỗi mà tai nạn, bệnh tật hoặc xung đột  đều có thể khiến quần thể này tuyệt chủng. Ông nhận định, nghiên cứu của WEFCOM là một cột mốc “lịch sử” cho loài hổ và khẳng định rằng quản lý bảo tồn hợp lý có thể mang lại kết quả tích cực.


 [*] - Khu phức hợp rừng phía Tây Thái Lan, rộng 18.000 km2, gồm 11 vườn quốc gia và 6 khu bảo tồn thiên nhiên.

Ngọc Nguyễn lược dịch

Nguồn: https://edition.cnn.com/science/tiger-population-thailand-c2e-spc-hnk/index.html