Sự biến đổi hình thái vỏ của động vật thân mềm chân bụng Phenacovolva rosea ở một số khu vực tại Việt Nam

05/09/2024

Các loài cộng sinh trong hệ sinh thái biển đóng góp rất lớn vào đa dạng sinh học vì số lượng loài cộng sinh có thể vượt quá số lượng loài vật chủ hơn hai lần và có vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái. 
Đa số các loài thuộc họ Ovulidae sống cộng sinh trên san hô. Vỏ của chúng được bao phủ bởi một lớp áo, ở hầu hết các loài có màu sắc và cấu trúc tương tự như bề mặt của san hô vật chủ. Chúng có khả năng ngụy trang gần giống với các loài san hô vật chủ (Hình 1).

Hình 1. Loài ốc thuộc họ Ovulidae ký sinh trên vật chủ san hô khu vực vịnh Nha Trang

Phenacovolva rosea là một loài ốc biển thuộc họ Ovulidae phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng sống cộng sinh trên các cành san hô, là loài ăn động vật, thức ăn ưa thích của chúng là các Polyp và mô của san hô, chúng được xem là sinh vật ký sinh ngoài và có thể là địch hại của các loài san hô mới sinh sản. Biến đổi hình thái vỏ bên ngoài của loài Phenacovolva rosea ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, dòng chảy và các vật chủ san hô để tránh những kẻ săn mồi là đặc trưng của loài này trong họ Ovulidae (Zvonareva và cộng sự, 2024). 
Thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ được Ủy ban phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt (mã số E 3.1, nội dung 2 và nội dung 9), do nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Việt Nam và Nga tiến hành với mục tiêu nhằm đánh giá, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hình thái vỏ của loài Phenacovolva rosea góp phần xác định loài ở các khu vực sống khác nhau.
Mẫu nghiên cứu được thu thập trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 của các năm 2018, 2019, 2020 và 2021, tại vịnh Nha Trang và 3 đảo thuộc Thành phố Hải Phòng (Quần đảo Cát Bà), tỉnh Quảng Ninh (Quần đảo Cô Tô, Đảo Quan Lạn) bằng phương pháp lặn thu mẫu trực tiếp. Tổng số lượng mẫu thu được là 72, trong đó lựa chọn 53 mẫu đã trưởng thành với đầy đủ các vòng xoắn và mép ngoài miệng đưa vào phân tích (Bảng 1).
Bảng 1: Số lượng Phenacovolva rosea thu được ở các loài san hô khác nhau tại 4 địa điểm nghiên cứu tại vịnh Nha Trang, Thành phố Hải Phòng (Quần đảo Cát Bà), tỉnh Quảng Ninh (Quần đảo Cô Tô, Đảo Quan Lạn).

Hình thái P. rosea có vỏ hình trục chính, nhẵn và bóng ở phần giữa, phía đầu có vân. Kích thước phần đầu và cuối nhỏ và phồng to ở phân giữa. Có chiều rộng từ 4,3-10,3 mm, chiều cao vỏ từ 16,8-42,5 mm, Tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao là 0,15:0,36 . 


Hình 2. Hình dạng Phenacovolva rosea ký sinh ở các loài san hô vật chủ khác nhau

Quá trình thu mẫu, phân tích hình thái bên ngoài chúng tôi phát hiện vỏ của loài Phenacovolva rosea thu được ở Nha Trang có vỏ mỏng, các gai dài, kích thước chiều dài vỏ dài, khẩu độ hẹp. Ở 3 điểm phía Bắc (Quần đảo Cát Bà, Quần đảo Cô Tô, Đảo Quan Lạn) có vỏ dày, các gai ngắn, kích thước chiều dài vỏ ngắn và rộng được thể hiện ở hình 2. 

Hình 3. Sự thay đội hình dạng vỏ của loài Phenacovolva rosea ở các khu vực khác nhau (A, D, E, F- Nha Trang; B- Cô tô; C - Quan Lạn)

Điều này cho thấy các điều kiện môi trường sống có ảnh hưởng đến sự biến đổi của hình thái vỏ loài Phenacovolva rosea.
Ảnh hưởng của khí hậu và độ mặn đến hình thái vỏ: Ở ba địa điểm phía Bắc nhiệt độ trong khoảng 19-32,50C, tháng giêng nhiệt độ xuống khoảng 17,80C, lượng mưa nhiều nên độ mặn thấp dao động từ 18-27‰. Ở Nha Trang nhiệt độ từ 24-300C, độ mặn dao động từ 24-32‰. Kết quả phân tích hình thái vỏ của loài Phenacovolva rosea cho thấy ở khu vực Nha Trang mỏng, dài hơn so với 3 khu vực phía Bắc. Nhiệt độ và độ mặn ảnh hưởng đến sự cân bằng cacbonat, độ hòa tan của canxi cacbonat và đến các quá trình trao đổi chất và vôi hóa của quá trình tạo vỏ. Ở nhiệt độ, độ mặn thấp làm hạn chế canxi hóa trong nước là cho lớp vỏ dày lên. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Graus, 1974 khi nghiên cứu về hình thái của vỏ sò cho thấy vỏ sò vùng ôn đới có độ dày hơn vùng nhiệt đới.  
Ảnh hưởng của nguy cơ săn mồi đến hình thái vỏ: Độ trong của nước là yếu tố tạo nên áp lực săn mồi giữa ba địa điểm phía bắc và Nha Trang. Ở Nha Trang có độ trong cao từ 5-10 m hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các loài săn mồi bằng mắt trong việc xác định vị trí động vật thân mềm trên vật chủ của chúng. Ở ba địa điểm phía Bắc độ trong từ 0,5-6 m cản trở tầm nhìn của các loài săn mồi bằng mắt, khiến động vật thân mềm không bị phát hiện (Ortega và cộng sự, 2020). Do đó, khu vực Nha Trang có thể thúc đẩy sự phát triển của các gai dài để phòng vệ trước một số loài săn mồi.
Ảnh hưởng của dòng chảy đến hình thái vỏ: Vỏ tiếp xúc với tác động của sóng có xu hướng hình cầu hơn, có khẩu độ tròn lớn hơn và chân đế lớn hơn, giúp tăng cường khả năng bám chắc hơn vào lớp nền. Ngược lại, ở những nơi có dòng chảy nhẹ, vỏ sò có hình dạng thon dài hơn với khẩu độ hẹp và chân nhỏ hơn (Rolan và cộng sự, 2004). Dòng chảy và sóng của Vịnh Nha Trang ít chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa nên dòng chảy khu vực này thường ổn định, sóng nhẹ, các mẫu ốc loài Phenacovolva rosea thu được ở đây có hình thái vỏ dài và khe hở hẹp, hạn chế độ bám dính. Ở ba địa điểm phía Bắc chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa, có áp thấp nhiệt đới và bão nên dòng chảy không ổn định, có sóng mạnh các mẫu thu được ở đây có hình thái vỏ ngắn, hình cầu, khe hở rộng, độ bám dính mạnh.
Ảnh hưởng của vật chủ đến hình thái vỏ: Các loài vật chủ khác nhau có các đặc điểm cấu trúc khác nhau, chẳng hạn như độ dày của cành, màu sắc. Trong quá trình thu mẫu chúng tôi phát hiện loài Phenacovolva rosea chủ yếu ký sinh trên 6 loài san hô gồm Menella sp, Paraplexaura sp, Bebryce sp, Astrogorgia sp, Acanthogorgia sp, Echinogorgia sp với số lượng bắt gặp 3 mẫu/vật chủ san hô. Kết quả phân tích cho thấy không có ảnh hưởng đến hình dạng vỏ nhưng màu sắc của loài Phenacovolva rosea phụ thuộc vào màu sắc của san hô chủ (Hình 2). 
Loài Phenacovolva rosea có sự biến đổi hình thái vỏ khi phân bố và sống ở các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, dòng chảy, nguy cơ săn mồi và vật chủ san hô để tránh kẻ thù, bảo vệ chính nó và cộng sinh của nó. Đây là dữ liệu ban đầu làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về xác định loài động vật thân mềm thuộc họ Ovulidae sống cộng sinh trên san hô ở các khu vực khác nhau tại Việt Nam.
Bài báo được trích từ kết quả nghiên cứu đề tài UBPH E 3.1 nhiệm vụ số 2, 9 và nội dung bài báo “Shell shape variation of the symbiotic gastropod Phenacovolva rosea in Vietnam” tại chí Ruthenica, Russian Malacological Journal của nhóm tác giả Zvonareva S.S., Deart Y.V, Lischenko F.V, Đinh Thị Hải Yến, Nguyễn Tài Tú, Mekhova E.S.

Tin bài: Đinh Thị Hải Yến (CNVB)