Sự khác biệt về kiểu hình trong tăng trưởng và sinh sản làm cơ sở cho sự xâm lấn thành công của cá lau kính Pterygoplichthys disjunctivus (Loricariidae) vào các thủy vực nước chảy và nước tĩnh ở Việt Nam

20/12/2023

Cá lau kính (Pterygoplichthys disjunctivus) là một trong những loài ngoại lai phổ biến nhất ở Việt Nam. Theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định đây là loài ngoại lai xâm hại (Hình 1). Trong nghiên cứu này, cơ chế thích nghi của loài cá này đã được làm rõ về kiểu hình và sinh sản ở các thủy vực. Một số lượng lớn (662 mẫu cá) thu ở môi trường sống nước chảy (sông Dinh) và nước tĩnh (hồ Suối Trầu) tại tỉnh Khánh Hòa đã được phân tích liên tục trong 12 tháng. Phương trình sinh trưởng von Bertalanffy về chiều dài tổng (mm) của cá ở sông Dinh là Lt = 483(1 – e-0,71(t-0,40)) và ở hồ Suối Trầu Lt = 346(1 – e-1,01(t-0,62)). Ước tính tuổi của cá sống ở các thủy vực từ 2,9 đến 4,2 năm. Có sự khác biệt về kích thước cá ở sông Dinh và hồ Suối Trầu, cá ở sông Dinh có kích thước lớn hơn khoảng 1,5 lần so với cá ở hồ Suối Trầu. Cá có xu hướng tăng trưởng về chiều dài nhanh hơn khối lượng với tham số tăng trưởng b từ 2,66 đến 2,82 (Hình 2). Tỷ lệ giới tính của P. disjunctivus là 1:1. Các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục cái đã được mô tả (Hình 3). Cá có thể sinh sản quanh năm, mùa vụ sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và rộ nhất vào tháng 8 (100% cá thành thục) và thấp nhất vào tháng 2 (< 10%) (Hình 4). Cá thành thục sinh dục ở kích thước tương đối nhỏ (17,97 cm ở hồ Suối Trầu và 23,43 cm ở sông Dinh). Chúng có sức sinh sản tương đối lớn và tương quan thuận với khối lượng cơ thể. Có sự khác biệt về sức sinh sản tuyệt đối ở sông Dinh và hồ Suối Trầu lần lượt là 4.812 ± 383 trứng/cá thể và 841 ± 91 trứng/cá thể (p < 0,05). Tuy nhiên, không có sự khác biệt về sức sinh sản tương đối ở hai thủy vực, đạt khoảng 13 trứng/g và cá có thể đẻ một hoặc nhiều đợt trong năm. Đường kính trứng ở cá thu được ở sông Dinh cao hơn đáng kể so với hồ Suối Trầu lần lượt là 2,95 ± 0,04 mm và 2,58 ± 0,01 mm (p < 0,05). Tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước cá lớn hơn và khả năng sinh sản cao hơn của cá lau kính trong môi trường sống nước chảy, cho thấy chúng có thể nhanh chóng phát triển quần thể, mở rộng phạm vi xâm lấn hơn so với môi trường nước tĩnh. Nghiên cứu này làm sáng tỏ sự khác biệt đáng kể về kiểu hình trong tăng trưởng và sinh sản của cá lau kính ở môi trường nước chảy và nước tĩnh ở Việt Nam, đây là cơ sở để đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả về tác hại của cá lau kính.

Hình 1: Mặt lưng (a), mặt bên (b) và mặt bụng (c) của cá lau kính P. disjunctivus

 
Hình 2: Tương quan giữa chiều dài và khối lượng cơ thể cá lau kính ở sông Dinh và hồ Suối Trầu. (a) – Cá đực sông Dinh; (b) – Cá cái sông Dinh; (c) – Cá đực hồ Suối Trầu; (d) – Cá cái hồ Suối Trầu

 Hình 3: Hình thái ngoài và cấu trúc mô học buồng trứng các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục của cá lau kính P. disjunctivus: (a), (b) – giai đoạn I; (c), (d) – giai đoạn II; (e), (f) – giai đoạn III; (g), (h) – giai đoạn IV; (i) – giai đoạn V và (k) – giai đoạn VI; Evtg -- Trứng ở giai đoạn sớm của quá trình tạo noãn hoàng; Avtg: Trứng ở giai đoạn noãn hoàng cực đại; Mũi tên 1 -- Noãn nguyên bào (Oo); Mũi tên 2 -- Thành vỏ của buồng trứng; Mũi tên 3 -- Trứng ở giai đoạn tiền phát triển noãn hoàng; Mũi tên 4 -- Trứng ở giai đoạn phát triển noãn hoàng; Mũi tên 5 -- Hạt noãn hoàng ở giai đoạn trứng phát triển cực đại.

 
Hình 4: Tỷ lệ phần trăm thành thục sinh dục (III-V) theo tháng (Hình a) và sự thay đổi theo tháng chỉ số GSI (%) của cá lau kính (Hình b)

 

Tiến sĩ Trần Đức Diễn, Chi nhánh Ven biển
Nguồn: Water 2023, 15, 3616 (Q1, IF = 3,5)
https://doi.org/10.3390/w15203616
Link: https://www.mdpi.com/2073-4441/15/20/3616