<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Thiếu các công cụ kiểm soát thích hợp đối với nhiều bệnh truyền nhiễm của động vật

13/10/2022

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health đã xác định được tình trạng thiếu các công cụ kiểm soát thích hợp đối với nhiều bệnh truyền nhiễm của động vật có thể gây tác động đáng kể đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng những nỗ lực quốc tế nên tập trung vào việc phát triển các công cụ kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chính của động vật, bao gồm bệnh do virus Nipah, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng và bệnh lao ở bò, tuy nhiên cần tiến đến phát triển các công cụ kiểm soát những bệnh dịch lây sang người, bệnh đặc hữu và gây dịch (bao gồm cả đại dịch) để có được một hành tinh khỏe mạnh cho con người, động vật và môi trường.

Giám đốc dự án Phát triển các công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm ở động vật (DISCONTOOLS) - Tiến sĩ Johannes Charlier và nhóm cộng sự là các chuyên gia thú y quốc tế đã đánh giá tình trạng hiện nay của những công cụ kiểm soát hiện có đối với 53 bệnh truyền nhiễm chính của động vật.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mặc dù các phương pháp chẩn đoán hiện nay chính xác và dễ sử dụng đối với nhiều bệnh động vật, nhưng nhu cầu cấp thiết là phải phát triển các phương pháp chẩn đoán ổn định và lâu bền để có thể phân biệt động vật bị nhiễm bệnh với động vật đã được tiêm phòng và đánh giá các đặc điểm bệnh khác như khả năng lây truyền, tác động đến sự sinh sản và an toàn của động vật.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết rằng nhu cầu cấp bách là phải tận dụng những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và làm cho chẩn đoán trở nên phổ biến rộng rãi với giá cả phải chăng. Các nhà khoa học cũng kêu gọi nghiên cứu thêm để làm cho vaccine trở nên dễ sử dụng, tăng thời gian miễn dịch và tạo ra các vaccine đánh dấu hiệu quả.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng lỗ hổng lớn nhất trong ngành dược phẩm động vật là mối đe dọa từ việc các mầm bệnh phát triển khả năng kháng với các loại thuốc hiện có - đặc biệt là các mầm bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng (động vật nguyên sinh, giun sán và động vật chân đốt) gây ra.

Tiến sĩ Charlier và các cộng sự đã đề xuất 05 nghiên cứu cần ưu tiên về sức khỏe động vật sẽ góp phần mang lại một hành tinh bền vững và khỏe mạnh. Đó là công nghệ vaccine, kháng thuốc kháng sinh, giảm thiểu ảnh hưởng và thích ứng với khí hậu, y tế số và y tế dự phòng.

Tiến sĩ Charlier cho biết: "Sức khỏe động vật là điều kiện tiên quyết của sức khỏe toàn cầu, phát triển kinh tế, an ninh lương thực, chất lượng lương thực và xóa đói giảm nghèo, đồng thời giảm thiểu biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học."

"Nếu chúng ta muốn đạt được SDG, cần phải nghiên cứu sâu hơn về các công cụ kiểm soát thích hợp để giảm gánh nặng do bệnh tật của động vật, bao gồm bệnh truyền nhiễm từ động vật, quản lý các bệnh mới nổi, các mối đe dọa về đại dịch, kháng khuẩn và chống ký sinh trùng".

Các nhà khoa học đã sử dụng DISCONTOOLS - cơ sở dữ liệu truy cập mở và tài nguyên quan trọng tạo bởi Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế STAR-IDAZ và các nhà tài trợ khác của các nghiên cứu về sức khỏe động vật bao gồm quỹ bảo trợ và các cơ quan trong ngành để đánh giá tình trạng hiện nay của các công cụ kiểm soát thích hợp cho 53 bệnh truyền nhiễm chính của động vật.

DISCONTOOLS xác định những lỗ hổng về kiến ​​thức cần được giải quyết để tăng tốc độ phát triển các công cụ mới (chẩn đoán, vaccine và dược phẩm) và giảm gánh nặng dịch bệnh của động vật. Điều này mang lại lợi ích về sức khoẻ và an toàn động vật, sức khoẻ cộng đồng và nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững.

Tài nguyên DISCONTOOLS sau đó được sử dụng để cung cấp danh sách ưu tiên các bệnh truyền nhiễm ở động vật thiếu các công cụ kiểm soát thích hợp và nơi giải quyết nhu cầu này sẽ có tác động lớn nhất đối với việc đạt được các SDG có liên quan.

Tiến sĩ Charlier nói thêm rằng "để đạt được tác động tối đa, điều quan trọng là phải dành sự quan tâm thích đáng đến cả dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm của động vật và bệnh đặc hữu. Trong khi bệnh dịch thu hút được nhiều sự chú ý vì tác động đột ngột và tàn phá, thì tác động ghê gớm của các bệnh mãn tính lại ít được nhìn thấy hơn và do đó thường bị lãng quên”.

"Phòng chống những bệnh này không chỉ đòi hỏi phát triển các công nghệ mới mà còn phải đầu tư bền vững vào mạng lưới chẩn đoán và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực, hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành".

Roxane Feller, Tổng thư ký của AnimalhealthEurope (Hiệp hội thương mại ngành thuốc động vật) và thành viên ban quản lý của DISCONTOOLS, người ủng hộ nghiên cứu và nói thêm rằng "khả năng lây truyền các bệnh truyền nhiễm giữa động vật và người là một thách thức đối với sức khỏe, báo hiệu rằng đã đến lúc tất cả chúng ta phải chuyển từ chữa bệnh sang phòng bệnh”. 

"Tác động của dịch bệnh động vật thậm chí còn vượt ngoài phạm vi sức khỏe cộng đồng, từ những tác động xấu đến hiệu quả kinh tế xã hội đối với những người dựa vào chăn nuôi để có thu nhập, đến những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng thức ăn chăn nuôi và khí thải mà không tạo ra lương thực".

"Bằng cách đầu tư công và tư vào các nghiên cứu sáng tạo ban đầu, toàn bộ ngành thú y có thể tập trung vào việc mở khóa những bí mật cần thiết để phát triển các thế hệ vaccine, chẩn đoán và các liệu pháp khác mới để ngăn ngừa dịch bệnh cho động vật và tránh những tác động tiêu cực".

Alex Morrow từ STAR-IDAZ IRC, nói rằng "bệnh động vật, trong hầu hết các trường hợp, là các vấn đề toàn cầu và do đó, cần một cách tiếp cận toàn cầu tập trung để hiểu và kiểm soát chúng. Để tăng tốc quá trình đổi mới từ khoa học cơ bản đến các sản phẩm cần thiết, điều quan trọng là hãy hợp tác trên phạm vi quốc tế và theo lộ trình nghiên cứu, tập trung nguồn lực một cách có sự điều phối vào những lỗ hổng kiến thức quan trọng và nhu cầu về những sản phẩm đã được xác định: chúng ta không thể tự mình làm tất cả mọi thứ".

Người dịch: Phạm Thị Thu, Phòng TTKHQS

Nguồn: https://phys.org/news/2022-10-lack-tools-major-infectious-diseases.html