Thỏa thuận Liên hợp quốc về bảo vệ bản quyền sinh học

30/05/2024

Ngày 24/5, hơn 190 quốc gia đã thông qua một hiệp ước mới để chống lại vi phạm bản quyền sinh học và quản lý các bằng sáng chế từ các nguồn tài nguyên di truyền như cây thuốc, đặc biệt là những loại cây có công dụng dựa trên các tri thức truyền thống.

Hình minh họa: Pixabay/CC0 Public Domain.

Theo tuyên bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc (LHQ), sau thời gian dài thảo luận, các đại biểu đều tán thành việc thông qua “Hiệp ước WIPO đầu tiên nhằm giải quyết mối liên quan giữa sở hữu trí tuệ, nguồn gen và tri thức truyền thống”.

Tại sự kiện, các cuộc đàm phán gặp không ít khó khăn, chủ yếu do sự bất đồng về hình phạt cho các bên vi phạm. Vấn đề này đã gây ra tranh cãi giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Gần đây, các công ty ngày càng sử dụng nguồn tài nguyên di truyền trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất mỹ phẩm, hạt giống, thuốc men, công nghệ sinh học và thực phẩm bổ sung.

Theo Liên hợp quốc, các nguồn tài nguyên này đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực y tế, khí hậu và an ninh lương thực.

Sau hơn 20 năm thảo luận về vấn đề này, hơn 190 quốc gia thành viên của WIPO đã bắt đầu đàm phán vào ngày 13 tháng 5 tại trụ sở của cơ quan đổi mới và cấp bằng sáng chế của LHQ ở Geneva để hoàn tất hiệp ước này.

Trước khi thỏa thuận cuối cùng đạt được, một nhà đàm phán phương Tây đã nhận định trước truyền thông rằng: "Đây là một văn bản rất thực tế và công bằng".

Văn bản này yêu cầu người nộp đơn xin cấp bằng sáng chế phải nêu rõ nguồn gốc của nguồn gen cũng như những cộng đồng bản địa đã cung cấp tri thức truyền thống được sử dụng trong phát minh đó.

Mục tiêu của hiệp ước là đối phó với việc vi phạm bản quyền sinh học bằng cách đảm bảo rằng mỗi phát minh đều là một sáng tạo thực sự, và các quốc gia cũng như cộng đồng địa phương liên quan đồng ý với việc sử dụng nguồn gen của họ, bao gồm cả các loài cây và những tri thức truyền thống liên quan đến chúng.

Ranh giới đỏ

Mặc dù các nguồn tài nguyên di truyền tự nhiên như các cây thuốc, cây trồng nông nghiệp và giống vật nuôi không thể được bảo vệ trực tiếp như tài sản trí tuệ, nhưng các phát minh được phát triển từ chúng có thể được cấp bằng sáng chế.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi hiện tại không có quy định bắt buộc phải công bố nguồn gốc của các phát minh, dẫn đến nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại rằng các bằng sáng chế được cấp mà không mang lại quyền lợi cho các cộng đồng bản địa.

Antony Scott Taubman, người sáng lập bộ phận Tri thức truyền thống của WIPO nhận định rằng hiệp ước này không phải là một cuộc cách mạng. Ông cũng cho rằng điều quan trọng ở đây là nhận thức được việc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế không chỉ là một quy trình chuyên môn mà còn là trách nhiệm.

Đại sứ Brazil Guilherme de Aguiar Patriota, người đã chủ trì cuộc đàm phán, đánh giá rằng hiệp ước đã được cân nhắc và điều chỉnh một cách kỹ lưỡng nhằm kết nối và đạt được sự cân bằng mong muốn giữa nhiều lợi ích khác nhau của các bên, trong đó có những lợi ích được nêu lên và bảo vệ một cách quyết liệt suốt nhiều thập kỷ.

Những ảnh hưởng tới sáng tạo

Biện pháp trừng phạt chính là rào cản lớn.

Trong khi các nước đang phát triển mong muốn các bằng sáng chế có thể bị thu hồi nếu bên đăng ký không cung cấp thông tin đầy đủ về tri thức cũng như tài nguyên sử dụng trong đó. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển lại không tán thành ý kiến này vì cho rằng các biện pháp trừng phạt nặng nề sẽ cản trở sáng tạo.

Có ý kiến nhận định rằng sẽ rất khó khăn khi thúc đẩy sự đồng thuận giữa các quốc gia có hệ thống pháp lý phát triển và những quốc gia có hệ thống pháp lý chưa phát triển.

Hiện tại, đã có hơn 30 quốc gia đặt ra các điều luật về vấn đề này. Hầu hết trong số đó là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, và một số khác là các quốc gia châu Âu, như Pháp, Đức và Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các quy trình có thể được thực hiện theo các cách khác nhau và không phải lúc nào cũng bắt buộc tuân thủ các quy định.

Cuối cùng, hiệp ước nêu rõ rằng các quốc gia "phải tạo điều kiện cho việc khắc phục thiếu sót trong việc cung cấp thông tin cần thiết... trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt".

Tuy nhiên, cơ hội này không bắt buộc mở rộng ra với "các trường hợp có hành vi gian lận hoặc có ý định vi phạm luật pháp quốc gia đó".

Các nước đang phát triển từ lâu đã yêu cầu minh bạch hơn về nguồn gốc của các tài nguyên di truyền. Và đã mất nhiều năm đàm phán để thu gọn 5.000 trang văn bản về vấn đề này xuống thành thỏa thuận./.

Ngọc Nguyễn dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2024-05-agreement-biopiracy-treaty.html