TextBody

Thượng tá, TS. Nghiêm Xuân Trường người cán bộ gương mẫu trong bảo vệ môi trường

11/03/2021

Thượng tá TS. Nghiêm Xuân Trường, Phân viện trưởng Phân viện Hóa-Môi trường, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga là một tấm gương tiêu biểu của lứa cán bộ khoa học đào tạo cơ bản được cử sang Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga học tập, nghiên cứu phát triển phương pháp phân tích chất siêu độc sinh thái phục vụ nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam.

Với nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vượt khó vươn lên trong công tác, lòng nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy trong lĩnh vực hóa học, môi trường; đồng chí đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành công năng lực quan trắc, phân tích dioxin/furan của đơn vị đạt trình độ quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường. Khi tiếp xúc với TS. Nghiêm Xuân Trường cảm nhận đầu tiên chính là vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, hóm hỉnh của một người anh; sự ân cần, gần gũi của một người lãnh đạo, chỉ huy; nét uyên bác của một nhà trí thức, một người luôn tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Khi được hỏi vì sao nhận tấm bằng tốt nghiệp Thạc sỹ loại xuất sắc, được mời ở lại làm giảng viên Đại học tại Hà Nội nhưng đồng chí đã từ chối mà xin vào công tác tại Phòng Phân tích, TTNĐ Việt-Nga, TS Trường chia sẻ: “Ngay từ lúc sinh viên, qua câu chuyện của các thế hệ đi trước về hình ảnh những cánh rừng trơ trọi, những nạn nhân chịu di chứng của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ đã rải xuống trong chiến tranh Việt Nam luôn thôi thúc tôi cần làm gì khi học xong để góp phần vào việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh”.

Trải qua 25 năm làm công tác nghiên cứu, quản lý, TS. Nghiêm Xuân Trường luôn nỗ lực hết mình góp phần xây dựng, đưa đơn vị là lá cờ đầu trong lĩnh vực quan trắc, phân tích dioxin tại Việt Nam. Trên cương vị Phân viện trưởng, đồng chí luôn sáng tạo trong đổi mới phong cách làm việc, đẩy mạnh hợp tác quốc tế (có mối quan hệ mật thiết với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga và một số tổ chức quốc tế: UNEP; UNDP; Hatfield, AXYS, Canada; IntercalAB, Thụy Điển; InterCinD, Italy,….), chỉ đạo thực hiện tốt việc duy trì, mở rộng năng lực, xây dựng kế hoạch dài hạn; tháo gỡ những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ tại hiện trường và PTN. Trong hoạt động nghiên cứu, đồng chí đã chủ trì nhiều đề tài, nhiệm vụ, dự án các cấp; là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 bài báo khoa học, tham gia nhiều báo cáo tại hội nghị khoa học, hội thảo trong nước, quốc tế về chất độc hóa học/dioxin trong môi trường, sức khỏe con người.
Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề cấp bách được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm giải quyết nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với sức khỏe con người, cải tạo môi trường, phục vụ cho phát triển đất nước. Sau năm 1975, các nghiên cứu về dioxin/da cam ở Việt Nam bắt đầu được quan tâm, vấn đề phân tích dioxin ở Việt Nam còn khá mới và chỉ có duy nhất một PTN được Chính phủ Hà Lan tài trợ thiết bị sắc ký khí đã thử nghiệm phân tích nồng độ tổng dioxin/furan nhưng chưa phân tích được 17 đồng loại độc dioxin/furan theo yêu cầu của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Vì vậy, mục tiêu làm chủ phương pháp phân tích, báo cáo kết quả đáp ứng yêu cầu của WHO, hợp chuẩn với các PTN quốc tế đã được lãnh đạo, chỉ huy Trung tâm đặt ra ngay từ ngày thành lập đơn vị. Những đóng góp to lớn, có tầm nhìn chiến lược của TS. Nghiêm Xuân Trường trong việc xây dựng, mở rộng năng lực PTN phát triển đưa Phân viện Hóa-Môi trường là đơn vị đi đầu về lĩnh vực quan trắc, phân tích dioxin ở Việt Nam và được tổ chức quốc tế công nhận.

Lãnh đạo Tập đoàn Shimidzu, Nhật Bản thăm PTN Phân viện Hóa-Môi trường (tháng 3/2017)

Những ngày đầu, việc làm chủ phương pháp phân tích dioxin/furan trong điều kiện PTN ở Việt Nam rất khó khăn do thiếu cán bộ có chuyên môn sâu, thiếu tài liệu; trang thiết bị, hóa chất chưa được đồng bộ. Vượt qua khó khăn ban đầu, với vai trò cán bộ chủ trì, đồng chí Trường cùng tập thể đơn vị đặt quyết tâm xây dựng thành công năng lực quan trắc phân tích dioxin/furan và các chất POP trong môi trường và sinh phẩm đạt trình độ khu vực, quốc tế. Từ năm 2006 đến nay, PTN thường xuyên tham gia phân tích dioxin/furan trong các nền mẫu thử nghiệm liên phòng quốc tế với khoảng 60 PTN trên thế giới tham gia, kết quả phân tích luôn đạt tốt, 50% phép thử đạt xuất sắc. Kế thừa kết quả trên, xác định việc công bố kết quả phân tích là vấn đề quan trọng liên quan đến tính pháp lý nên luôn được đồng chí Trường quan tâm, ưu tiên chỉ đạo sát sao đơn vị quyết tâm xây dựng năng lực quan trắc, phân tích dioxin/furan, một số hợp chất POP. Đến nay, Phòng thí nghiệm là đơn vị đầu tiên trong cả nước phân tích dioxin/furan trong nhiều nền mẫu khó nhất đã được công nhận năng lực theo ISO/IEC 17025:2017. Thực hiện việc giám sát, quan trắc môi trường trong hoạt động xử lý, đánh giá giám sát các dự án xử lý chất hóa học/dioxin đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về quản lý, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đã xây dựng năng lực và được công nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định số 127/2014/NĐ-CP.

Thượng tá TS.Nghiêm Xuân Trường báo cáo kết quả NCKH của đơn vị với Đại tướng Ngô Xuân Lịch –
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam (tháng 6/2020)

Khi đi tham quan PTN, thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi quan sát kỹ thuật viên của đơn vị đang tập trung thực hiện kỹ thuật khó của giai đoạn tách chất phân tích trong nền mẫu huyết thanh, đồng chí Lê Bảo Hưng – Phó Phân viện trưởng chia sẻ: “Tác phong làm việc chuyên nghiệp của đồng chí Trường đã ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi. Chúng tôi luôn thực hiện theo khẩu hiệu: “Muốn trở thành cán bộ khoa học làm thực nghiệm giỏi, phải cố gắng rèn cho mình có bộ óc của người thầy và đôi bàn tay khéo léo của người thợ”mà đồng chí Trường đã chia sẻ. PTN Phân viện Hóa-Môi trường là địa chỉ tin cậy hàng đầu được các tổ chức, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế chọn là đơn vị có đủ năng lực thực hiện chính quan trắc, phân tích dioxin/furan thuộc nội dung các dự án, nhiệm vụ trong và ngoài nước. Kết quả phân tích của Phân viện là tiêu chí quan trọng để các cơ quan, tổ chức quốc tế so sánh, đánh giá hiệu quả công nghệ tẩy độc, điều chỉnh thiết kế, tối ưu thông số kỹ thuật. Ngoài việc khẳng định được năng lực ngiên cứu, góp phần nâng tầm khoa học của Việt Nam song song, ngang tầm thế giới; thì việc chủ động phân tích dioxin/furan của phân viện đã tiết kiệm nhiều kinh phí cho Quân đội, đất nước”.

Các báo cáo kết quả phân tích dioxin của các đề tài, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần vào thành công chung của Chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, cụ thể là: xác định được ba “điểm nóng” về dioxin các sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng và Phù Cát có nồng độ chất độc vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép; đưa ra được bức tranh tổng thể về tồn lưu dioxin/chất da cam trong môi trường ở miền Nam Việt nam. Kết quả từ các Dự án Z1, Z2, Z3, Z9 đã khoanh vùng, chống lan tỏa, xử lý triệt để một số khu vực ô nhiễm cao, mang lại những kết quả quan trọng đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Nhiệm vụ quan trắc môi trường dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại sân bay Đà Nẵng và kịp thời đưa ra cảnh báo kiến nghị các biện pháp giảm thiểu, phát tán dioxin, các chất khác vào môi trường; khi dự án kết thúc, đã làm sạch và hoàn nguyên diện tích lớn bàn giao cho chính quyền địa phương phục vụ kéo dài đường băng cất hạ cánh tại đầu phía Bắc sân bay Đà Nẵng.

Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng trong nhiệm vụ quan trắc dự án xử lý ô nhiễm môi trường sân bay Đà Nẵng có tính liên tục trong những năm qua, đến nay đơn vị tiếp tục được Bộ quốc phòng tin tưởng và chỉ định là đơn vị thực hiện chính nội dung quan trắc môi trường dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1.

TS.Trường giới thiệu năng lực quan trắc môi trường của Phân viện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Lễ khởi công Dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa (tháng 12/2019)

Song song với sự phát triển kinh tế đất nước, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường luôn được xã hội quan tâm. Trên cương vị là Phân viện trưởng, đồng chí đã chỉ đạo đơn vị mở rộng năng lực và là địa chỉ tin cậy để thực hiện nội dung đánh giá ô nhiễm dioxin, hợp chất POP khác phát thải từ hoạt động công nghiệp và dân sinh. Phân viện đã phối hợp với Cục Kiểm soát hoạt động BVMT/Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá nguy cơ phát thải dioxin từ một số lò đốt rác; tham gia đánh giá phát thải dioxin trong quá trình thử nghiệm công nghệ tại Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh; các phát thải từ các hoạt động đốt chất thải rắn, sản xuất tái chế, xi măng, nhiệt điện, v.v. Những kết quả này đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường của một số tỉnh thành nói riêng và ngành môi trường nói chung, bảo vệ sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước tác động của ô nhiễm môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, song song với việc triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đồng chí Trường cùng tập thể cấp ủy luôn xác định:“Muốn đẩy mạnh hiệu quả chất lượng công việc và phát triển bền vững phải gắn liền với việc gìn giữ và bảo vệ môi trường”. Từ phương châm này, cán bộ chủ trì cấp phòng, ban và cán bộ, nhân viên trong đơn vị luôn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, xử lý nguồn thải từ phòng thí nghiệm; cải tiến, tối ưu quy trình lấy, chuẩn bị, phân tích mẫu nhằm giảm thiểu lượng hóa chất, vật tư tiêu hao trong thực nghiệm. Đơn vị đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao trình độ chuyên môn, tạo điều kiện tối đa để cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, công bố kết quả nghiên cứu tại hội nghị trong và ngoài nước; chăm lo cải thiện nâng cao đời sống cho cán bộ, người lao động; 100% cán bộ, nhân viên đơn vị được hưởng phụ cấp độc hại.
Khoảnh khắc TS. Nghiêm Xuân Trường bận rộn báo cáo tại hội thảo về phương án kỹ thuật với nhà thầu chính Trigon; phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng thiết kế kỹ thuật rồi lại tất bật chỉ đạo cán bộ kỹ thuật quan trắc môi trường nền tại sân bay Biên Hòa dưới cái nắng oi ả của mùa hè càng làm nổi bật hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Thị Năng (Phân viện Hóa-Môi trường)
Giải Nhì Cuộc thi viết về “Những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường” năm 2020.

Bài viết liên quan