Tổ chức khóa đào tạo về nghiên cứu sinh thái rừng nhiệt đới cho các nhà khoa học trẻ tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà
02/07/2024Thực hiện kế hoạch nghiên cứu thuộc đề tài E-1.2 năm 2024, từ ngày 09 đến 26/6/2024, Chi nhánh Phía Nam (CNPN) đã chủ trì tổ chức khóa học về nghiên cứu sinh thái rừng nhiệt đới lần thứ 10 cho các nhà khoa học trẻ và các sinh viên Nga tại Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.
Tiến sĩ khoa học Andrey Nikolaevich Kuznetsov, Tổng Giám đốc phía Nga Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Đồng Giám đốc CNPN và một số cán bộ khoa học phía Việt Nam và Nga tham gia hướng dẫn, giảng dạy cho 09 cán bộ khoa học trẻ và 09 sinh viên Nga đến từ Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov (MGU).
Quang cảnh buổi lên lớp của TSKH. Andrey Nikolaevich Kuznetsov giới thiệu về các phương pháp nghiên cứu thực vật rừng nhiệt đới.
Quá trình học tập, nghiên cứu tại VQG Bidoup-Núi Bà, các cán bộ khoa học trẻ đã có cơ hội trực tiếp khám phá về đa dạng sinh học và tổ chức chức năng của các hệ sinh thái đặc thù ở vùng núi và cao nguyên Nam Việt Nam. VQG Bidoup-Núi Bà với sự kết hợp và tương tác đồng thời của các yếu tố sinh thái như đai cao, thổ nhưỡng, nhiệt độ, sương mù, gió… đã hình thành các kiểu rừng đặc trưng, là môi trường lý tưởng cho các hoạt động nghiên cứu đa dạng sinh học rừng nhiệt đới và á nhiệt đới. Nơi đây không chỉ có sự đa dạng về các hệ sinh thái rừng hỗn giao thường xanh, rừng cây lá kim với ưu thế loài Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) và Thông ba lá (Pinus kesiya) mà còn chứa đựng kiểu phụ rừng lùn (rừng rêu) trong kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình với hệ thực vật thân gỗ khác biệt so với các khu vực khác ở Việt Nam. Ngoài ra, cán bộ khoa học trẻ đã mô tả địa thực vật trên hệ thống các ô tiêu chuẩn trong rừng cây lá kim ưu thế loài Thông ba lá (Pinus kesiya). Cùng với đó, các nhà khoa học và nhóm tham gia khóa đào tạo cũng nghiên cứu và mô tả môi trường sống của nhiều loài thực vật quý hiếm như loài Nắp ấm (Nepenthes smilesi), đưa ra các thông tin chi tiết về đặc điểm sinh thái và phân bố của những loài này.
Khảo sát khu hệ thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới - rừng lùn (rừng rêu) tại khu vực Hòn Giao, VQG Bidoup - Núi Bà.
Không chỉ dừng lại ở thực vật, các nhà khoa học trẻ và sinh viên Nga còn được hướng dẫn sử dụng các phương pháp như đặt bẫy để nghiên cứu hành vi sinh học của thú; áp dụng các phương pháp nghiên cứu các loài chim ở vùng nhiệt đới và quan sát quá trình sinh sản của một số loài chim đặc hữu; khảo sát về khu hệ động vật lưỡng cư và bò sát và đã ghi nhận tín hiệu sinh sản của 10 loài lưỡng cư không đuôi, cung cấp thông tin quan trọng về hệ sinh thái núi cao; sử dụng các phương pháp thu mẫu vật để nghiên cứu côn trùng; học các kỹ năng xác định những đại diện của các loài nấm và tảo ở vùng rừng nhiệt đới, tiến hành nghiên cứu toàn diện về hệ động vật không xương sống và tảo, những khoang nằm trong cơ thể thực vật như trên lá của loài Nắp ấm (Nepenthes smilesi) phân bố tự nhiên trong khu vực nghiên cứu từ đỉnh Bidoup đến đỉnh Hòn Giao trên củaVQG Bidoup-Núi Bà.
Qua khóa học, các cán bộ khoa học trẻ và sinh viên đã thu được những kiến thức mới về tính đa dạng, sự phong phú và giá trị của sinh vật rừng khu vực miền núi - cao nguyên phía Nam Việt Nam; đồng thời, được hướng dẫn, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật trong điều tra nghiên cứu thực địa, được chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu sinh thái rừng nhiệt đới.
Tin bài và ảnh: Nguyễn Văn Quý - Phòng Sinh thái cạn/CNPN
Bài viết liên quan