TextBody

Triển khai mô hình thử nghiệm trồng bổ sung phục hồi rừng tự nhiên bằng các loài cây lâm nghiệp bản địa tại Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai

05/12/2023

Trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga: “Nghiên cứu giải pháp phục hồi rừng tự nhiên trên cơ sở tiếp cận cảnh quan tại khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai”, tháng 9 - 10 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã triển khai mô hình thử nghiệm trồng bổ sung phục hồi rừng tự nhiên tại các Tiểu khu 44 khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Tiểu khu 46 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập - Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng. Mô hình được thiết kế trên 1,5 ha trạng thái đất trống, trảng cây bụi có cây gỗ tái sinh với 6 ô thí nghiệm được trồng bổ sung ba loài cây bản địa theo hai phương thức trồng hỗn loài theo cụm và trồng hỗn loài theo băng (mật độ 600 cây/ha).

Nhóm nghiên cứu trao đổi, hướng dẫn cộng đồng về nội dung, kỹ thuật triển khai mô hình.   

Trên cơ sở kết quả lựa chọn loài cây trồng bổ sung phục hồi rừng từ 30 loài cây lâm nghiệp bản địa triển vọng tại khu vực nghiên cứu, ba loài cây lâm nghiệp bản địa được chọn trồng bổ sung tại mô hình bao gồm: (a) Trắc (Dalbergia cochinchinensis Pierre), (b) Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy) và (c) Giổi nhiều hoa (Michelia floribunda (Finet & Gagnepain) Figlar). Tất cả các cây sau khi trồng được gắn thẻ có mã số và bố trí thí nghiệm chăm sóc theo những công thức khác nhau.

Các loài cây lâm nghiệp bản địa được trồng bổ sung tại mô hình.

Ngoài ra, tại mô hình thuộc tiểu khu 46 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập, đề tài đã tiến hành thử nghiệm phương pháp Miyawaki trong trồng bổ sung phục hồi rừng tự nhiên trên ô thí nghiệm 150 m2, mật độ 20.000 cây/ha, bao gồm các loài cây lâm nghiệp bản địa là sản phẩm nhân giống thử nghiệm của đề tài thuộc kế hoạch nghiên cứu KH&CN do Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt (mã số E1.6), như: Chôm chôm rừng (Nephelium hypoleucum), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus), Quế bạc (Cinnamomum mairei), Vạng trứng (Endospermum chinensis), Giổi xanh (Michelia mediocris), Xoan nhừ (Choerospondias auxillaris), Sồi phảng (Lithocarpus fissa), Phân mã (Archidendron robinsonii), Trâm (Syzygium sp.), Ô đước (Lindera sp.)…

Thử nghiệm trồng phục hồi rừng bằng phương pháp Miyawaki.

Theo đó, các mô hình thử nghiệm sẽ được chăm sóc và quan trắc sinh trưởng định kỳ trong hai năm đầu nhằm đánh giá hiệu quả, làm cơ sở ứng dụng, mở rộng phạm vi phục hồi rừng, ưu tiên cho các khu vực đất trống, trảng cây bụi, rừng bị suy thoái tại khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai.

TS. Trần Thị Thanh Hương và nhóm nghiên cứu