TextBody

Trồng thử nghiệm một số loài tre trong điều kiện đất nhiễm mặn tại Trạm Thử nghiệm Cần Giờ

04/10/2024

Huyện Cần Giờ, vùng đất từng bị tàn phá nặng nề bởi chất độc hóa học và thuốc diệt cỏ sau chiến tranh, đã vươn lên trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2000. Bằng những nỗ lực trong việc tái trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái, huyện Cần Giờ đã chuyển mình thành một điểm sáng về bảo tồn thiên nhiên. Phần lớn diện tích đất ở đây là đất nhiễm mặn, tuy nhiên, hơn 10% diện tích là đất ít nhiễm mặn, có tiềm năng phát triển nông nghiệp với các loại rau màu và cây ăn quả chịu mặn.

Nhằm tìm kiếm thêm các giống cây trồng mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và có khả năng sinh trưởng trên vùng đất nhiễm mặn Cần Giờ, trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã trồng khảo sát, đánh giá khả năng thích nghi và phát triển của một số loài tre lấy măng tại huyện Cần Giờ. Khu vực trồng thử nghiệm nằm tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thử nghiệm Cần Giờ, thuộc Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Trạm được xây dựng trên nền đất là ruộng muối cũ, nằm trong vùng cửa sông và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều từ biển Đông, khiến vùng nước mặt ở đây quanh năm bị nhiễm mặn.

Trong số các loài tre lấy măng, tre Điền Trúc (Dendrocalamus lantiflorus) và Tứ Quý (Bambusa cf. beecheyana) được chú ý đặc biệt nhờ khả năng sinh trưởng nhanh, thời gian cho măng ngắn và năng suất cao. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã thử nghiệm trồng các giống tre này trên các vùng đất nhiễm mặn và cho thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển trồng tre ở các khu vực đất ít nhiễm mặn như Cần Giờ.

Từ năm 2022 đến 2023, hai loài tre Điền Trúc và Tứ Quý được trồng thử nghiệm tại các khu vực khác nhau thuộc trạm thử nghiệm Cần Giờ. Khu vực này thường bị ngập khi mưa lớn và thủy triều dâng, cát chiếm từ 85 - 95% thành phần đất, và độ mặn đất thay đổi theo thời gian. Hoạt động trồng thử nghiệm được thực hiện tại ba khu vực đất có độ mặn khác nhau, bao gồm Khu A: Độ mặn trung bình 0,12 ± 0,12 g/kg (không nhiễm mặn); Khu B: Độ mặn trung bình 1,58 ± 0,39 g/kg (nhiễm mặn ít); Khu C: Độ mặn trung bình 2,96 ± 0,87 g/kg (nhiễm mặn trung bình).

Hình 1. Cải tạo đất trồng

Hình 2. Kỹ thuật trồng cây

Kết quả sau 9 tháng thử nghiệm cho thấy, chiều cao cây, đường kính cây và số lượng cây tre/hố trồng ở đất không nhiễm mặn lớn hơn so với đất nhiễm mặn ít và trung bình. Tỷ lệ sống của cây tre giảm dần theo thời gian và theo sự gia tăng độ nhiễm mặn của đất. Sau 12 tháng trồng, ở đất không nhiễm mặn và nhiễm mặn ít, tỷ lệ sống của tre Điền Trúc đạt 89,5%, tre Tứ Quý là 95%, một số hố trồng đã có thể thu hoạch măng.

Hình 3. Tre sau 12 tháng trồng thử nghiệm

Hình 4. Tre sau 24 tháng trồng thử nghiệm

Dựa trên kết quả nghiên cứu, có thể thấy rằng việc trồng các loại tre lấy măng như Điền Trúc và Tứ Quý rất có triển vọng ở những khu vực đất nhiễm mặn ít.

Đối với các vùng đất có mức độ nhiễm mặn trung bình, cần có biện pháp cải tạo đất trước khi tiến hành trồng cây. Việc giảm độ mặn của đất sẽ làm tăng khả năng thích nghi, tăng tỷ lệ sống của cây giống, cải thiện điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây tre, từ đó tối ưu hóa năng suất và chất lượng măng. Các phương pháp cải tạo có thể bao gồm: tưới tiêu để rửa mặn, bổ sung chất hữu cơ nhằm cải thiện cấu trúc đất, hoặc áp dụng các kỹ thuật cải tạo đất phù hợp khác trước khi đưa cây tre vào trồng.

Với các biện pháp như vậy, các giống tre như Điền Trúc và Tứ Quý hoàn toàn có thể được nhân rộng trồng trên các vùng đất nhiễm mặn trung bình, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đất.

Chi tiết về kết quả của nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới số 34, 06-2024.

Tin bài: Mai Quang Tuyến, Phòng Phân tích môi trường/Chi nhánh Phía Nam