Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga được vinh danh vì có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020
14/01/2022Ngày 13/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020 nhằm tôn vinh những đóng góp trong công tác bảo tồn của các tổ chức, nhà khoa học, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Tham dự buổi lễ có Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); đại diện các tổ chức, cá nhân được vinh danh, các hãng thông tấn, báo chí trong nước. Tham gia Lễ vinh danh, về phía Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐ Việt - Nga) có Thiếu tướng Đặng Hồng Triển - Tổng Giám đốc và Đại tá Nguyễn Đăng Hội - Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT trao bằng Vinh danh cho TTNĐ Việt - Nga và một số tổ chức khác.
Năm 2021, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT, Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga đã giao Viện Sinh thái nhiệt đới chủ trì phối hợp với phía Nga và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia gửi Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT xem xét.
Nhận thấy, đây không chỉ là cơ hội tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu hướng Sinh thái nhiệt đới giai đoạn 2010 - 2020, mà còn là cơ sở xác lập quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu sinh thái của Trung tâm giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Từ quan điểm, mục tiêu đó, Viện Sinh thái nhiệt đới đã thu nhận báo cáo, tài liệu là kết quả nghiên cứu sinh thái tại các vùng miền của Việt Nam giai đoạn 2010 -2020. Kết quả tổng kết cho thấy, trong giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), trong khuôn khổ thực hiện các đề tài Sinh thái cạn (E.1), TTNĐ Việt - Nga đã công bố trên 320 loài mới cho khoa học và 306 bài báo trên tạp chí quốc tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm 2016-2020, đã công bố 104 bài báo với 213 loài mới cho khoa học. Trong đó, đặc biệt có ý nghĩa là mô tả 15 loài thực vật, 3 loài thú, 18 loài bò sát - lưỡng cư.
Như vậy, với tổng số khoảng 430 loài mới được mô tả, ghi nhận ở Việt Nam mà Bộ TN&MT công bố, TTNĐ Việt - Nga đã đóng góp 213 loài, với các mẫu chuẩn, chiếm gần 50% tổng số loài sinh vật được mô tả và công bố trên tạp chí quốc tế uy tín. Việc phát hiện được nhiều loài mới có tính đặc hữu, đặc hữu hẹp là những ghi nhận có ý nghĩa lớn về mặt khoa học. Cùng với các nghiên cứu về cấu trúc khu hệ, điều này không những chứng minh được tính đa dạng, giàu có của khu hệ động, thực vật theo các vùng địa lý, nhất là khu hệ thú, khu hệ nấm, khu hệ lưỡng cư - bò sát, khu hệ côn trùng, khu hệ động vật đất mà còn làm rõ tính độc đáo ở vành đai nhiệt đới cũng như quy mô khu vực, toàn cầu của khu hệ động và thực vật của Việt Nam. Bên cạnh những dẫn liệu khoa học mới, kết quả cũng cho thấy lịch sử phát triển lâu dài, ổn định của hệ sinh thái nhiệt đới gió mùa của nước ta, là tiền đề cho sự hình thành, duy trì tính đa dạng sinh học, trong đó có các loài hoang dã.
Danh lục bài báo quốc tế và loài mới TTNĐ Việt - Nga công bố giai đoạn 2016-2020
TT | Đối tượng | Số bài báo ISI | Số loài mới |
1 | Thực vật | 14 | 15 |
2 | Địa y | 2 | 5 |
3 | Nấm | 16 | 32 |
4 | Tảo | 23 | 47 |
5 | Thú | 3 | 3 |
6 | Bò sát - Lưỡng cư | 15 | 18 |
7 | Nhện | 3 | 3 |
8 | Côn trùng | 13 | 65 |
9 | Cuốn chiếu | 4 | 8 |
10 | Rầy | 3 | 3 |
11 | Thân mềm | 1 | 1 |
12 | Động vật ký sinh | 2 | 6 |
13 | Giáp xác - Thủy sinh nước ngọt | 5 | 7 |
Tổng cộng | 104 | 213 |
Một số hình ảnh loài mới được TTNĐ Việt - Nga mô tả, công bố trong giai đoạn 2010 - 2020
Loài dơi Hipposideros grandis consonensis ghi nhận tại Côn Đảo năm 2020
Loài Aspidistra clausa N.Vislobokov sp. nov. Họ Măng tây - Asparagaceae
Loài Peliosanthes curviandra Vislobokov, sp. nov. Họ Măng tây - Asparagaceae.
Cùng với việc mô tả, công bố loài mới, công bố bài báo quốc tế, việc quan trắc động thái và tính quy luật phát triển của thảm thực vật rừng dưới tác động của chiến tranh hóa học và những tác động nhân sinh cũng được xây dựng chi tiết, trong đó có phương pháp quan trắc và đánh giá vai trò thành phần của rừng. Những đúc kết có tính quy luật, diễn thế của thảm thực vật và diễn thế, biến đổi cảnh quan rừng bị phá huỷ tự nhiên và nhân sinh có ý nghĩa lớn mặt khoa học và thực tiễn, đặc biệt cho công tác bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng của nước ta, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với nhiều khu vực, nhiều vường quốc gia (VQG), khu bảo tồn tien nhiên (KBTTN), các kết quả nghiên cứu của TTNĐ Việt - Nga là đầu tiên, là cơ sở khoa học cho các VQG, KBTTN và địa phương trong định hướng quy hoạch, xây dựng chương trình và đề xuất giải pháp, biện pháp quản lý, bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Nhiều VQG, KBTTN đã sử dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu của Trung tâm trong hoạt động của mình, đó là VQG Hoàng Liên trong việc đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên Châu Á, VQG Cát Tiên đề nghị là một phần của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, VQG Bidoup - Núi Bà trong lập dự án đầu tư nhằm phát triển bền vững vùng đệm gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Xuân Sơn trong xây dựng hệ thống mẫu vật trưng bày phục vụ nghiên cứu, giáo dục; KBTTN Ngọc Linh, Kon Chư Răng trong việc xây dựng hồ sơ và được công nhận là Vườn Di sản ASEAN; VQG Kon Ka Kinh, KBTTN Kon Chư Răng trong xây dựng hồ sơ và được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển quốc tế cao nguyên Kon Hà Nừng.
Từ những thành tích nổi trội về nghiên cứu khoa học, định hướng ứng dụng về sinh thái và đa dạng sinh học, TTNĐ Việt - Nga đã được Bộ TN&MT vinh danh là tổ chức có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, được Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020.
Tin bài: Nguyễn Đăng Hội (Viện Sinh thái nhiệt đới)
Bài viết liên quan