Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học
16/05/2025Ngày 22 tháng 5 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò to lớn của đa dạng sinh học đối việc duy trì sự sống và phát triển bền vững của các cộng đồng trên toàn thế giới.
Với chủ đề “Harmony with nature and sustainable development” - “Sống hài hoà với thiên nhiên và phát triển bền vững”, ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tất cả các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trên toàn thế giới cùng chung tay thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal; nhằm thực hiện hoá mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của nước ta: “Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phục hồi san hô góp phần phục hồi hệ sinh thái biển (Ảnh: QĐND).
Theo bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học toàn cầu năm 2024, Việt Nam xếp thứ 14 thế giới và là một trong ba quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ phong phú của các loài sinh vật. Với hệ sinh thái đa dạng - từ rừng nhiệt đới, vùng đất ngập nước, hệ sinh thái biển và ven bờ cùng điều kiện khí hậu đặc thù, đa dạng sinh học ở Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sẻ đồng ngực vàng - Emberiza aureola tại Việt Nam với cấp độ bảo tồn cực kỳ nguy cấp: CR - IUCN (2021); II - NĐ84/2021. (Ảnh: Phạm Hồng Phương - Viện Sinh thái nhiệt đới).
Tuy nhiên, những năm gần đây, đa dạng sinh học của Việt Nam đang chịu sức ép ngày càng lớn từ phát triển thiếu bền vững, suy thoái môi trường, mất rừng, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Tình trạng suy giảm các loài hoang dã và tài nguyên sinh học đặt ra thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội nhằm bảo vệ hệ sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đang tiến hành nghiên cứu hiện trạng phân bố loài Vẹt Haiensii tại Vườn quốc gia Côn Đảo, nơi duy nhất loài này sinh sống tại Việt Nam với số lượng rất ít (dưới 10 cá thể).
Với hơn 37 năm nghiên cứu trong lĩnh vực sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh học, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Năm 2022, Trung tâm được Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh danh là một (01) trong năm (05) tổ chức có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020.
Lần đầu tiên thu được mẫu giao tử san hô từ tự nhiên tại Việt Nam bởi các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Các kết quả nghiên cứu khoa học, điều tra hiện trạng đa dạng sinh học, giám sát môi trường và phân tích diễn biến hệ sinh thái không chỉ có giá trị khoa học sâu sắc mà còn phục vụ thiết thực cho công tác hoạch định chính sách bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Trung tâm đã cung cấp nhiều dẫn liệu khoa học quan trọng, bổ sung nhiều loài mới cho danh mục đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao hiểu biết về hệ sinh thái nhiệt đới và thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu.
Một trong số 12 loài nấm mới cho khoa học được phát hiện, là kết quả nghiên cứu nổi bật của đề tài E-1.5 năm 2023 bởi các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế trong phát triển các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững loài, nguồn gen sinh vật; điều tra, quan trắc, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn đa dạng sinh học thich ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam trong Khung Đa dạng sinh học toàn cầu. Đồng thời, Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân viên và chiến sĩ về tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với an ninh sinh thái, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước.
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phục hồi san hô của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc
Bài viết liên quan