TextBody

Ứng dụng chế phẩm Adasten nhằm nâng cao sức khỏe và khả năng thích nghi cho bộ đội đặc công nước

22/12/2020

Hoạt động quân sự là loại hình lao động đặc thù với cường độ cao và trong điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt như bộ đội đặc công nước. Khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt kéo dài sẽ làm suy giảm các trạng thái chức năng của cơ thể và ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội. Nghiên cứu các biện pháp tăng cường sức khỏe và tăng khả năng thích nghi cho bộ đội để đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là hết sức cần thiết.

Một trong những biện pháp làm tăng khả năng thích nghi là sử dụng adaptogens. Nhiều nghiên cứu trước đây đều khẳng định rằng adaptogens có tác dụng cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và tăng khả năng thích ứng. Viện Công nghệ Sinh học Komi, Liên bang Nga đã nghiên cứu chiết tách và thu được serpisten là tổ hợp của 2 ecdysteroids (20-hydroxyecdysone và inokosterone) từ thực vật và sản xuất thành công thực phẩm chức năng Adasten có tác dụng tăng khả năng làm việc cường độ cao. Adasten có tiềm năng ứng dụng nhằm tăng cường sức khỏe và khả năng thích nghi cho bộ đội làm việc trong điều kiện đặc thù.

Năm 2019, Viện Y sinh nhiệt đới đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chế phẩm Adasten trên 75 thợ lặn quân sự có độ tuổi từ 18 đến 30, thuộc Lữ đoàn X, Quân chủng Hải quân có thời gian hoạt động nghề nghiệp từ 1 đến 3 năm, có sức khỏe tốt. Đối tượng nghiên cứu được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên:

        - Nhóm nghiên cứu: gồm 40 người, sử dụng Adasten 10 mg x 2 viên/ngày, chia 2 lần uống trước bữa ăn 15 phút. Thời gian sử dụng liên tục 40 ngày. Liều dùng và liệu trình sử dụng Adasten được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu năm 2017 và theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

đo kéo sức khỏe thợ lặn, Y sinh nhiệt đới

Đo sức kéo và khả năng nhịn thở cho thợ lặn

- Nhóm chứng: gồm 35 người, sử dụng giả dược với hình dạng, kích thước và liều lượng tương tự như Adasten.

        Thiết bị sử dụng trong nghiên cứu: Powerlab (ADInstrument, Úc) để ghi điện tim, đo chức năng hô hấp và độ bão hòa oxy máu, huyết áp kế đồng hồ và ống nghe (Nhật), đồng hồ bấm giây, máy gõ nhịp, bục gỗ...

Các chỉ tiêu nghiên cứu gồm:

        - Các chỉ số về điện tim: nhịp tim, thời khoảng phức bộ QRS và biên độ sóng T được phân tích ở trước và sau gắng sức 1 phút, 2 phút, 3 phút và 4 phút.

        - Các chỉ số về hô hấp: dung tích sống thở mạnh, độ bão hòa oxy máu được phân tích trước và sau bước bục gắng sức;

- Thời gian nhịn thở khi hít vào tối đa ở phút thứ 1 và 4 sau khi ngồi xuống, đứng lên 20 lần trong 30 giây.

        - Huyết áp động mạch đo ở các thời điểm trước khi bước bục và sau bước bục gắng sức ở phút thứ 1 và 4.

        Các chỉ tiêu nghiên cứu được thực hiện ở thời điểm trước và ngay sau bài tập gắng sức, ở giai đoạn trước và sau 40 ngày uống Adasten và giả dược.

          Kết quả nghiên cứu cho thấy, Adasten có tác dụng:

         - Cải thiện chức năng hệ tim mạch: Làm giảm thời gian hồi phục nhịp tim và huyết áp tâm thu có ý nghĩa thống kê (p<0,05); ổn định sự dẫn truyền của tâm thất và tăng cường hồi phục hoạt động cơ tim trong điều kiện gắng sức.

- Cải thiện chức năng hệ hô hấp: Tần số thở tăng ít, trong khi làm tăng dung tích sống; kéo dài thời gian nhịn thở, cải thiện độ bão hòa oxy máu trong điều kiện gắng sức với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

- Có tác dụng tích cực làm tăng cường thể lực, trạng thái tinh thần và sức khỏe chung, từ đó làm tăng khả năng thích nghi và hoạt động gắng sức của bộ đội với thời gian được kéo dài hơn.

Sử dụng Adasten không làm biến đổi chức năng gan, thận và chức năng cơ quan tạo máu; không thấy tác dụng không mong muốn của chế phẩm. Adasten là chế phẩm an toàn đối với người sử dụng.

Đánh giá chức năng tim mạch của thợ lặn qua nghiệm pháp bước bục gắng sức

Như vậy, sử dụng Adasten 10 mg x 2 viên/ngày x 40 ngày có tác dụng cải thiện tốt chức năng tim mạch, hô hấp; tăng cường sức khỏe và khả năng thích nghi cho bộ đội đặc công nước trong điều kiện gắng sức. Đây là cơ sở để ứng dụng chế phẩm Adasten tăng cường thích nghi và khả năng làm việc cho bộ đội trong các điều kiện đặc thù.

ThS.BS Phạm Khắc Linh/ Viện YSNĐ