TextBody

Vi nhựa trong muối ăn - vấn đề cần quan tâm hiện nay

27/10/2023

Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, chúng đã được tìm thấy trong nhiều sản phẩm muối ăn trên thị trường. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá tổng thể sự có mặt của hạt vi nhựa trong muối và tác động của chúng đến sức khỏe con người.

Hàm lượng vi nhựa thực tế trong các sản phẩm muối như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi nhựa trong các sản phẩm muối tinh được sản xuất tại các quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu của tác giả Kim Seung Kyu (2018) cho thấy vi nhựa xuất hiện trong hơn 90% các mẫu muối thương mại có trong 39 nhãn hiệu muối khác nhau trên toàn cầu (bao gồm mẫu muối biển, muối hồ và muối mỏ từ 16 quốc gia trên 6 châu lục). Hàm lượng vi nhựa trong các mẫu muối biển nằm trong khoảng 0 - 1.674 hạt/kg; hàm lượng trong mẫu muối hồ dao động trong khoảng từ 28 - 462 hạt/kg và trong mẫu muối mỏ từ 0 - 148 hạt/kg. Hàm lượng vi nhựa được tìm thấy trong các mẫu muối biển của các thương hiệu thuộc khu vực châu Á cao hơn so với các thương hiệu từ các châu lục khác [1].

 

Trong một nghiên cứu khác, tác giả Karami (2017) đã điều tra sự hiện diện và nồng độ vi nhựa trong 17 nhãn hiệu muối khác nhau, từ 8 quốc gia (Australia, Pháp, Iran, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Bồ Đào Nha và Nam Phi). Kết quả cho thấy vi nhựa có mặt trong 16/17 mẫu nghiên cứu [2].

Tác giả Hyemi Lee (2019) đã nghiên cứu và nhận thấy rằng 94% sản phẩm muối được thử nghiệm trên toàn thế giới có chứa vi nhựa. Theo tác giả, muối ăn chứa trung bình 140,2 hạt vi nhựa/kg [3].

Hình 1. Một số loại vi nhựa trong muối ăn

Hình 2. Hình ảnh tổng các hạt từ muối ăn (A-C); Hình ảnh các hạt không tan trong dung dịch muối nổi ở phía trên (D-F); Hình ảnh các hạt ở đáy chai sau khi loại bỏ các hạt nổi phía trên.

Vi nhựa trong muối đến từ đâu?

Theo công bố của nhóm tác giả Hyemi Lee, có hai con đường chính hạt vi nhựa xâm nhập vào muối ăn [3]:
Thứ nhất, từ nguồn ô nhiễm nhựa ở biển dẫn đến sự hình thành và hiện diện khắp nơi của các hạt vi nhựa. Trên thực tế, các mảnh vụn nhựa chiếm khoảng 60 - 80% tổng số rác thải biển, một số khu vực các mảnh vụn nhựa lên tới 90 - 95%. Các hạt vi nhựa hiện diện trong môi trường là kết quả của sự phân hủy liên tiếp và thay đổi các mảnh nhựa lớn hơn (thông qua sinh học, quang hóa hoặc phân hủy cơ học) trong môi trường, hoặc ngay từ đầu đã ở dạng các hạt có kích thước siêu nhỏ được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhiều loại sản phẩm sử dụng hàng ngày. Đây là nguồn vi nhựa chính xâm nhập vào muối biển và muối hồ.

Thứ hai, sự nhiễm bẩn trong quá trình chế biến và đóng gói do sử dụng dụng cụ và vật liệu đóng gói sản phẩm cuối cùng có thành phần từ nhựa. Đây là nguồn vi nhựa bị nghi ngờ trong muối mỏ.

Ảnh hưởng của việc sử dụng muối có chứa vi nhựa đến sức khỏe con người?

Muối ăn được con người sử dụng hàng ngày trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (2012), lượng muối tối đa cho một người trưởng thành không được vượt quá 5 g mỗi ngày. Thêm vào đó, vi nhựa không dễ bị phân hủy nên chúng có khả năng tích lũy sinh học. Vì vậy, việc tích lũy vi nhựa từ muối ăn là một quá trình phơi nhiễm lâu dài. Hiện nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ về các tác động của vi nhựa trong muối ăn đến sức khỏe con người. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc con người tiếp xúc với hạt vi nhựa có thể dẫn đến stress, oxy hóa, tổn thương đến vật chất di truyền (DNA) và viêm nhiễm, cùng các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt, khi chứng viêm trở thành mãn tính, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng [2,3].  

Thêm vào đó, vi nhựa có khả năng hấp phụ các chất gây ô nhiễm hữu cơ kỵ nước (Hydrocacbon đa vòng thơm (PAHs), thuốc trừ sâu cơ clo, chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy (POPs)) [4], kim loại nặng [5]. Do đó, việc tiếp xúc trực tiếp với các chất POPs và các hóa chất liên quan khác được hấp phụ bởi các hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng đến các hệ thống sinh học và đặt ra mối đe dọa cho cả con người và động vật ngay cả ở liều lượng thấp. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về các tác động bất lợi tiềm ẩn mà hạt vi nhựa và các hóa chất liên quan có thể có về sức khỏe của con người.

Kết luận

Dù không thể phủ nhận những lợi ích của nhựa đối với cuộc sống hiện đại song những tác động tiêu cực do nhựa mang lại là rất đáng báo động. Mặc dù số lượng nghiên cứu về vi nhựa trong môi trường đã tăng lên nhanh chóng với hàng nghìn nghiên cứu mới và kết quả được công bố về sự phân bố, con đường di chuyển và nguồn gốc của vi nhựa trong nước biển và nước ngọt. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về các tác động của vi nhựa trong muối ăn đến sức khỏe con người và chưa có ngưỡng, quy chuẩn cho phép về hàm lượng vi nhựa tối đa trong muối ăn. Do đó, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về sự hiện diện của vi nhựa trong muối ăn để xác định mức độ nghiêm trọng của chúng đối với sức khỏe con người; đặc biệt là những hậu quả tiềm ẩn, những đáp ứng của cơ thể khi phơi nhiễm vi nhựa trong hệ tiêu hóa, mô sinh học và chuỗi thức ăn./.
Tài liệu tham khảo

1. Ji-Su Kim, Hee-Jee Lee, Seung-Kyu Kim, Hyun-Jung Kim. Global Pattern of Microplastics (MPs) in Commercial Food-Grade Salts: Sea Salt as an Indicator of Seawater MP Pollution. Environ. Sci. Technol. 2018, 52, 21, 12819–12828.
2. Ali Karami, Abolfazl Golieskardi, Cheng Keong Choo, Vincent Larat, Tamara S.Galloway, Babak Salamatinia. The presence of microplastics in commercial salts from different countries. Sci. Rep. 7, 46173; doi: 10.1038/srep46173 (2017).
3. Hyemi Lee, Alexander Kunz, Won Joon Shim, Bruno A. Walther. Microplastic contamination of table salts from Taiwan, including a global review. Scientific Reports. volume 9, Article number: 10145 (2019).
4. Lin-Chi Wang, Chun-Te Lin, Cheng-Di Dong, Chiu-Wen Chen, Ta-Kang Liu. The sorption of persistent organic pollutants in microplastics from the coastal environment. Journal of Hazardous Materials. Vol 420, 126658 (2021)
5. Qian Liu, Haowen Wu, Jiajiao Chen, Biaohu Guo, Xiufang Zhao, Hui Lin, Wei Li, Xin Zhao, Sihao Lv, Cong Huang. Adsorption mechanism of trace heavy metals on microplastics and simulating their effect on microalgae in river. Environmental Research. Vol 214, Part 1, 113777 (2022). 

Tin bài: Kim Thùy (Phân viện Hóa-MT)