Viện Sinh thái nhiệt đới
Ban chỉ huy
Viện trưởng: Đại tá, GS.TS. Nguyễn Đăng Hội
Phó viện trưởng: Đại tá, TS. Bùi Xuân Phương; Thượng tá, TS. Hoàng Thị Thùy Dương
Địa chỉ liên hệ: 63 Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (069) 514222; (0243) 5658149
GIỚI THIỆU CHUNG
Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga, được thành lập năm 1988, là một trong số các cơ quan, đơn vị được thành lập từ ngày thành lập TTNĐ Việt - Xô. Khi được thành lập, đơn vị được tổ chức là Phân viện Sinh thái đại cương và Sinh thái ứng dụng, sau đó là Phân viện Sinh thái nhiệt đới; từ năm 2007, được tổ chức lại và đổi tên thành Viện Sinh thái nhiệt đới như ngày nay.
CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN:
Phòng Sinh thái Môi trường Quân sự
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC
Chủ tịch hội đồng: GS. TS. Nguyễn Đăng Hội
Phó Chủ tịch hội đồng: TS. Bùi Xuân Phương
Thư ký hội đồng: TS. Đỗ Hữu Quyết
Ủy viên: TS. Hoàng Thị Thùy Dương, TS. Lê Xuân Đắc, TS. Trần Quốc Hoàn, ThS. Nguyễn Quốc Khánh, TS. Đinh Bá Duy, TS. Trần Hữu Côi.
CHỨC NĂNG
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Viện Sinh thái nhiệt đới được quy định tại Quyết định số 940/QĐ-TTNĐVN ngày 11 tháng 8 năm 2009 và Quyết định số 2201/QĐ-TTNĐVN ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học; ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn; hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.
NHIỆM VỤ
- Nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức cấu trúc - chức năng các hệ sinh thái và cảnh quan nhiệt đới; biến động của sinh vật ở cấp độ quần thể, quần xã, hệ sinh thái.
- Điều tra, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, biện pháp quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát triển tài nguyên sinh vật.
- Nghiên cứu, lựa chọn các loài sinh vật có tiềm năng sử dụng cho mục đích quân sự quốc phòng và kinh tế.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của các quá trình tự nhiên, hoạt động nhân sinh, hoạt động quân sự - quốc phòng đến tài nguyên và môi trường; xây dựng giải pháp bảo đảm an ninh sinh thái, môi trường trong các hoạt động quân sự.
- Nghiên cứu biến đổi khí hậu; đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đến công trình, hoạt động quân sự và dân sự; đề xuất giải pháp ứng phó, giảm thiểu.
- Hoạt động quan trắc môi trường; đánh giá tác động môi trường các dự án, hoạt động quân sự và dân sự; đề xuất giải pháp khắc phục, giảm thiểu.
- Thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
- Đào tạo và tham gia đào tạo cán bộ trong lĩnh vực sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu ảnh hưởng của chiến tranh hóa học tới sự biến đổi của rừng nhiệt đới
Hoạt động nghiên cứu của Viện Sinh thái nhiệt đới
KẾT QUẢ CHÍNH
Viện Sinh thái nhiệt đới đã và đang chủ trì, tham gia hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhiều nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ khoa học kỹ thuật với địa phương và các đơn vị trong, ngoài quân đội. Kết quả nghiên cứu của Viện đã được công bố với nhiều bài báo trên tạp chí quốc tế và quốc gia, trong đó trên 150 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SCIE/Scopus/VAK, hàng trăm bài báo trên các tạp chí quốc gia, hàng chục bài báo tại các hội thảo trong và ngoài nước, hàng chục sách chuyên khảo, tham khảo về lĩnh vực sinh thái, môi trường. Một số kết quả chính:
- Nghiên cứu được quy trình chọn, tạo và huấn luyện các cá thể chó bản địa H’mông cộc đuôi phát hiện ma túy; nghiên cứu quy trình lựa chọn và sử dụng chó bản địa dạng sói trong tìm kiếm, phát hiện bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
- Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến công trình và hoạt động quân sự trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5 và 9, các khu vực phòng thủ cấp tỉnh tại địa bàn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu.
- Nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học, đặc điểm sinh thái và cảnh quan khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quân sự, quốc phòng: đã phát hiện, bổ sung nhiều loài sinh vật mới chưa từng được ghi nhận, trong đó có 18 loài động vật thân mềm, cùng hàng chục loài cá rạn san hô và hơn 100 loài thực vật bậc cao cho hệ thực vật đảo xa bờ; triển khai trồng phục hồi rạn san hô trên các giá thể nhân tạo với diện tích hàng nghìn m2; đề xuất nhiều giải pháp, nhóm giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực quần đảo Trường Sa.
- Tiến hành nghiên cứu tại 19 Vườn Quốc gia và 16 Khu bảo tồn cùng nhiều khu vực sinh quyển đặc trưng cả đất liền và biển đảo của Việt Nam. Đã thu được nhiều dữ liệu mới về thành phần khu hệ động vật và thực vật; phát hiện, mô tả nhiều loài động vật, thực vật mới cho khoa học và có tính đặc hữu của Việt Nam.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học về quá trình phá hủy, phục hồi của thảm thực vật dưới tác động nhân sinh và đề xuất các biện pháp tái tạo, phục hồi.
- Nghiên cứu các dòng nhiệt, ẩm và các-bô-níc trong các hệ sinh thái rừng nhằm lượng hóa vai trò của rừng nhiệt đới trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên cơ sở khai thác các tổ hợp quan trắc tự động (tại VQG Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và VQG Bidoup-Núi Bà) để thu thập bộ số liệu có giá trị về các dòng năng lượng và đánh giá khả năng hấp thụ khí các-bô-níc và mê-tan từ khí quyển qua sinh khối rừng nhiệt đới của Việt Nam.
- Nghiên cứu về quá trình phá hủy, phục hồi của các hệ sinh thái dưới tác động chiến tranh hóa học và những tác động tự nhiên - nhân sinh, đã phát hiện tính quy luật, diễn thế của thảm thực vật và diễn thế, biến đổi cảnh quan rừng và cảnh quan, hệ sinh thái biển bị phá huỷ tự nhiên và nhân sinh. Những dữ liệu này không chỉ có ý nghĩa lớn mặt khoa học mà cả thực tiễn, đặc biệt cho công tác bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng, bảo vệ hệ sinh thái biển của Việt Nam.
- Nghiên cứu quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phục vụ các hoạt động quân sự, quốc phòng và phát triển đất nước thu được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đã phân tích làm rõ những vấn đề hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý môi trường và tài nguyên sinh vật của các đơn vị quân đội, thành lập hệ thống các bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng môi trường đất các đơn vị được điều tra, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và đề xuất mô hình cụ thể phục vụ quản lý hiện trạng môi trường, dạng sinh học cho các đơn vị quân đội.