Vườn Quốc gia nhỏ nhất thế giới - tại đất nước lớn nhất thế giới; Chiến lược phi đối xứng của nhà khoa học Nga?

09/05/2024

Ngày 25/4/2024, tại Khoa Địa lý, Địa sinh thái và du lịch của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (VGU), Liên bang Nga, đã tổ chức Hội thảo lần thứ 12 về lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực phân tích bản đồ và thông tin địa lý (GIS mapping). Đây là một trong những hội thảo có tiếng trong cộng đồng nghiên cứu GIS toàn Nga, có kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên 9 múi giờ (từ khu vực phía Tây Liên bang Nga, bao gồm Moskva, tới miền Viễn Đông). Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ khoa học, chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị chuyên ngành, đặc biệt được đánh giá cao từ những “cây đại thụ” trong nền khoa học địa lý - địa sinh thái Nga như GS. TSKH. Berlyant A.M.1, TS. Koshkarev A.V.2, GS. TSKH. Krasova V.I.3, GS. TSKH. Luryo I.K.4, TS. Medvedev A.A.5, GS. TSKH. Molchanov E.N.6, GS. TSKH Sangazhieva L.Kh.7, GS. TSKH. Snytko V.A.8... Năm nay, có những nhà quản lý đến từ rất xa như GS. TSKH. Danilov Yu.G.9, Phó Hiệu trưởng trường đại học Liên bang Đông Bắc (Cộng hòa Sakha - Yakutya) và hàng loạt cán bộ nghiên cứu từ khu vực Viễn Đông (Vladivostok) đã vượt đường xa để đến trực tiếp quan sát học hỏi cách nghiên cứu và tổ chức phát triển tiềm lực khoa học tại Voronezh - nơi cách họ hơn 10.000 km.

Hội thảo được khởi xướng từ năm 2009 bởi một con người Nga, nhân cách Nga điển hình - TS. Nesterov Yuri Anatolievich. Ông là giảng viên đam mê lĩnh vực bản đồ và phân tích địa lý, con nhà nòi (cha ông là trưởng khoa địa lý tại đại học VGU), ông là thế hệ vàng được đào tạo trực tiếp bởi GS. Milkov F.N. (người đặt nền móng và phát triển trường phái nghiên cứu cảnh quan Voronezh nổi tiếng tại Nga và trên toàn thế giới). Với khả năng tổ chức sáng tạo, ông luôn tìm thấy cách phát triển khoa học trong những hoàn cảnh bất lợi khi cơ chế chính sách chưa thực sự hợp lý, nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế. Hội thảo khoa học nói trên là một trong những ví dụ điển hình về cách tổ chức tập thể nghiên cứu sáng tạo mà TS. Nesterov Yu.A. đã gây tiếng vang trong lĩnh vực hẹp của mình.

Có thể nói, TS. Nesterov Yu.A. là nhà chiến lược phi đối xứng trong phát triển tiềm lực khoa học: với ngân sách hạn hẹp, ông khơi dậy sức mạnh cộng đồng khoa học cùng chí hướng, duy trì niềm đam mê khoa học chung trong những giai đoạn biến động nhất của nước Nga, duy trì trình độ phát triển khoa học của nước Nga so với toàn cầu, cách tiếp cận của ông khác hoàn toàn với lối đi “nhà giàu”, đòi hỏi đầu tư lớn kiểu phát triển tư bản.

Các thành viên hội thảo lắng nghe và trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng nghiên cứu.

Hội thảo ngay từ đầu được tiến hành trên tinh thần tiết kiệm tối đa, các chi phí tổ chức, ấn phẩm đều được tự nguyện đóng góp từ các thành viên với tinh thần cống hiến vì đam mê khoa học. Càng ngày, tiếng vang của Hội thảo đã khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ấn tượng và ủng hộ. Dù vậy, tinh thần vị khoa học và tiết kiệm vẫn là tôn chỉ của toàn tập thể này. Ban tổ chức hội thảo được thành lập rất tinh gọn và hiệu quả, chỉ bao gồm vài người học trò của TS. Nesterov Yu.A., với nòng cốt bảo đảm kỹ thuật hiện nay là Sarychev Dmitriy Vladimirovich (Dima), một chuyên gia trẻ nhưng giàu kinh nghiệm, từng làm việc tại ESRI (doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ về lĩnh vực phần mềm GIS) cùng nhiều dự án tại Châu Âu, hiện tại là giảng viên và đồng thời là chuyên gia AI tại các doanh nghiệp phần mềm của Nga.

Trong bối cảnh nước Nga bị cấm vận và ngăn chặn tiếp cận với các sản phẩm IT từ phương Tây, Dima nhanh chóng áp dụng sản phẩm nội địa, phát triển mạnh mẽ mọi hoạt động công nghệ của mình. Trong hội thảo vừa qua, Dima đã áp dụng nền tảng hội nghị trực tuyến Yandex Telemost, dù với phiên bản miễn phí, nó vẫn cung cấp nhiều tính năng hữu ích cho hội nghị khoa học, mà các nền tảng khác như Zoom, Google Meeting bị hạn chế hoặc phải trả phí mới được sử dụng. Dima cũng là chuyên gia tích cực phát triển QGIS - nền tảng phần mềm phân tích dữ liệu địa lý mở, không phụ thuộc vào các phần mềm có chi phí bản quyền đắt đỏ như tại Mỹ và phương Tây. Tương tự sự phát triển phần mềm R trong phân tích thống kê, việc ứng dụng các nền tảng mã nguồn mở là xu hướng tất yếu cho các nhà khoa học trên toàn cầu để vượt qua rào cản chi phí bản quyền, nhanh chóng vươn lên cạnh tranh được với các nền khoa học tư bản.

Description: D:\YouTube channel\2024.05.10 cách tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh - gửi TTNĐVN\Геоинф. картографипрвание в регионах РФ. 1 день\Геоинф. картографипрвание в регионах РФ. 1 день\DSC07652.jpg

Không gian làm việc nhóm đơn giản nhưng hiệu quả tại Hội thảo, cầu truyền hình Yandex Telemost kết nối toàn Nga.

Một trong những vấn đề quan trọng của nghiên cứu khoa học là tính lặp lại kết quả nghiên cứu. Với một số ngành, việc lặp lại kết quả nghiên cứu là rất khó khăn. Như lĩnh vực nghiên cứu địa sinh thái, không phải lúc nào các kết quả từ những chuyến khảo sát thực địa (ghi nhận phân bố loài, ghi nhận hiện tượng, tập tính sinh vật, tổng hợp vi chất...) đều có thể lặp lại bởi nhóm nghiên cứu khác. Điều này dẫn tới những nghi vấn và tranh luận về tính chân xác của kết quả công bố.

Các kết quả công bố với mã nguồn mở, dễ dàng kiểm chứng và lặp lại kết quả nghiên cứu.

Trong hội thảo ứng dụng GIS vừa qua tại Voronezh, các nhóm nghiên cứu đều tự tin khẳng định tính chân xác trong kết quả của mình, sẵn sàng cung cấp cho các nhà nghiên cứu khác tự do kiểm chứng thông qua việc công bố dữ liệu đầu vào, mã nguồn lập trình xử lý và công khai kết quả trên các cộng đồng mở như Github, cơ sở dữ liệu địa lý đám mây, các trang web cá nhân của nhà phát triển. Các nhà nghiên cứu đã sôi nổi thảo luận, áp dụng triệt để hình thức brandstorming, chỉ sau nửa ngày làm việc, tất cả đều nạp đầy năng lượng sáng tạo với những ý tưởng mới cho hoạt động nghiên cứu tiếp theo.

Ý tưởng nghiên cứu được sản sinh không chỉ từ sự thảo luận cởi mở giữa những người cùng chí hướng, mà còn trên cơ sở tích lũy lượng thông tin lớn và quá trình tổng hợp, suy luận. Rất nhiều ý tưởng công nghệ lấy thông tin từ tự nhiên: máy bay hai tầng cánh lấy cảm hứng từ dáng hình con chuồn chuồn, kính siêu bền lấy cảm hứng từ vỏ sò, tổng hợp vi chất từ dược liệu tự nhiên ... Thiên nhiên chính là kho tàng tư liệu thông tin khổng lồ để kích thích sự sáng tạo cho con người trong mọi lĩnh vực. Từng chiếc lá cây đều khác biệt từ đường gân tới viền lá - đó là thông tin, mỗi hành vi của sinh vật tại từng thời điểm dưới các điều kiện nắng, gió, độ ẩm khác nhau - đó là thông tin. Với khối thông tin khổng lồ ấy, khi con người chăm chú quan sát, cảm nhận và suy luận, đều có thể kích hoạt tiềm năng sáng tạo vô tận để sản sinh những ý tưởng mới. Và ý tưởng chính là khởi nguồn cho mọi hoạt động từ nghiên cứu lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn.

          

Kết thúc hội thảo - chuyến tham quan thực địa tại Vườn Quốc gia Galichia Gora “Vườn quốc gia nhỏ nhất thế giới, tại quốc gia lớn nhất thế giới”.

Được thành lập gần 100 năm trước bởi những cây đại thụ trong trường phái địa sinh thái Voronezh, Vườn Quốc gia này có những nét độc đáo không chỉ về tổ hợp thực vật điển hình, mà còn rất thú vị từ góc độ lịch sử hình thành và mô hình tổ chức hoạt động. Đây là Vườn quốc gia nhỏ nhất thế giới, được đặt trong lòng quốc gia lớn nhất thế giới - Liên bang Nga10, là Vườn quốc gia hiếm hoi (duy nhất tại Nga, và có lẽ là duy nhất trên thế giới) hoàn toàn trực thuộc một trường đại học. Phải chăng đây cũng là ví dụ điển hình về chiến lược phát triển phi đối xứng của nền khoa học Nga, dùng nguồn lực nhỏ để mang lại kết quả lớn?

Trong kỳ tới, chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về cách tổ chức, phát triển khoa học đặc biệt hiệu quả của Vườn quốc gia Galichia Gora, Liên bang Nga, cũng như các ý tưởng nghiên cứu tiềm năng hợp tác quốc tế cùng có lợi, trong đó vai trò chủ đạo là các nhà khoa học Nga-Việt. Còn bây giờ, xin được kính tặng quý độc giả thưởng thức video hành trình chuyến đi tới Vườn Quốc gia Galichia Gora:

Tin bài, hình ảnh, video: Nguyễn Trung Hiếu, Trợ lý Phòng Kế hoạch khoa học

DHS Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh, LB. Nga


Chú thích:

1. GS. TSKH. Berlyant A.M. (Берлянт А.М. - Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov - MGU): người đặt nền móng và phát triển lý thuyết, áp dụng thực tiễn các phương pháp nghiên cứu và phân tích bản đồ, địa thông tin nổi tiếng trong cộng đồng nghiên cứu địa lý của Nga.

2. TS. Koshkarev A.V. (Кошкарев А.В.): chuyên gia hàng đầu của Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Nga, về phân tích địa thông tin, quy hoạch GIS và tư vấn, thẩm định chính sách pháp luật trong lĩnh vực địa thông tin.

3. GS. TSKH. Krasova V.I. (Кравцова В.И.): nhà khoa học và giảng viên đại học MGU, người đặt nền móng cho ngành viễn thám phục vụ nghiên cứu địa lý và các lĩnh vực khác tại Nga.

4. GS. TSKH. Luryo I.K. (Лурье И.К.): chuyên gia đầu ngành về tự động hóa xử lý dữ liệu viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ GIS trong nghiên cứu địa lý.

5. TS. Medvedev A.A. (Медведев А.А. - Viện Địa lý, Viện HLKH Nga): chuyên gia tư vấn, thẩm định tiêu chuẩn của LB Nga trong lĩnh vực trắc địa, bản đồ và địa thông tin, chuyên gia thẩm định của COST Association (European Cooperation in Science and Technology), thành viên ủy ban ICA (International Cartographic Association), thành viên ủy ban IGU - GIScience Commission.

6. GS. TSKH. Molchanov E.N. (Молчанов Э.Н. - Viện thổ nhưỡng mang tên Dokuchaev)

7. GS. TSKH. Sangazhieva L.Kh (Сангаджиева Л.Х. - ĐH Quốc gia Kalmyskiy): chuyên gia hàng đầu về phát hiện độc chất trong các đối tượng môi trường, xử lý ô nhiễm bằng biện pháp sinh học, xử lý môi trường khu vực ô nhiễm dầu mỏ.

8. GS.TSKH. Snytko V.A. (Снытко В.А. - Viện sĩ Viện HLKH Nga): nhà sáng lập trường phái nghiên cứu cảnh quan - địa hóa Sibiri.

9. Giáo sư Danilov Yu.G. (Данилов Ю.Г). Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa học và đổi mới sáng tạo Trường Đại học Liên bang Đông Bắc mang tên M.K. Ammosova. Ông nổi tiếng trong giới địa lý Nga với biệt danh “Gấu vạch đường” (khả năng tổ chức nghiên cứu thành công trong điều kiện “không biết bắt đầu ở đâu, như thế nào và sẽ ra sao”, ông có biệt tài cảm nhận cơ hội và tính cách linh hoạt để đạt những kết quả không ai ngờ tới trong mọi chuyến khảo sát thực địa).

10. Galichia Gora (Галичья Гора): vườn quốc gia với diện tích nhỏ nhất trên thế giới (230 ha) tại tỉnh Lipetsk, Liên bang Nga. Vườn quốc gia này cũng là đơn vị tổ chức đặc biệt, trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Voronezh. Vườn quốc gia này được thành lập từ năm 1925 nhằm bảo tồn hệ thực vật độc đáo, các quần xã thảo nguyên - rừng đặc trưng và các nhóm thực vật hoang dã trên các mỏm đá vôi kỷ Devon bên bờ sông Đông.