Xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số trực tuyến trên mạng Internet (online atlas) các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam
13/10/2023Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu truyền tin và khai thác dữ liệu của nhân loại. Trong đó, hệ thống thông tin trên Internet nhận được sự quan tâm sử dụng nhiều nhất nhờ tính thông dụng trong việc giao tiếp, tìm kiếm và thông qua tính năng ưu việt của các phần mềm ứng dụng về quản lý, số hóa tài liệu, Internet đã trở thành phương tiện hữu ích giúp truyền đạt, trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu… giữa mọi người trong xã hội.
Tuy nhiên con người cũng đang phải đối mặt với một khó khăn mới về số lượng thông tin quá lớn, sự bùng nổ về số lượng dữ liệu, dẫn đến việc chọn lọc thông tin, tìm kiếm dữ liệu là một vấn đề hết sức khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, con người đã sử dụng “cơ sở dữ liệu” hay còn gọi là tập hợp thông tin có cấu trúc, để quản lý lưu trữ dữ liệu, giúp con người quản lý, chọn lọc và tìm kiếm thông tin nhanh nhất có thể.
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐ Việt - Nga) là đơn vị hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và LB Nga, được thành lập ngày 07/3/1988 trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (ký ngày 07/3/1987). Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, hiện nay TTNĐ Việt - Nga đã trở thành một đơn vị nghiên cứu đa ngành có uy tín trong nước và quốc tế. Hoạt động nghiên cứu KH&CN của Trung tâm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, phát triển Quân đội và đất nước. Bên cạnh đó Trung tâm cũng là đơn vị đóng góp đáng kể vào công tác đối ngoại quốc phòng, tham gia xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga, góp phần vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hoạt động của Trung tâm đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và tổ chức khoa học và công nghệ có uy tín của LB Nga và Việt Nam. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của Trung tâm trong công cuộc phát triển KH&CN của Quân đội và quốc gia.
Là một đơn vị hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, năm 2020 Bộ Quốc phòng phê duyệt và giao Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chủ trì Chương trình KH&CN cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật quần đảo Trường Sa phục vụ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quốc phòng, quân sự” (mã số KCB-TS). Kết quả các chuyến khảo sát đã ghi nhận và mô tả thành phần của các loài sinh vật, sự phân bố và cấu trúc tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên dữ liệu các loài sinh vật vẫn còn lưu trữ ở dạng truyền thống (dạng offline) nên việc khai thác và sử dụng dữ liệu còn hạn chế. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay của TTNĐ Việt - Nga cần có một trang Atlas trực tuyến về dữ liệu tài nguyên các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa để phục vụ hỗ trợ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của độc giả trên Internet. Với yêu cầu trên, TTNĐ Việt - Nga đã giao Phòng Thông tin khoa học quân sự thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số trực tuyến (online atlas) các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam”; với mục tiêu: 1/Xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số trực tuyến trên mạng Internet (online Atlas) các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam có ứng dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến bằng 02 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh; 2/Cập nhật được trên website cho phép quản lý trực tuyến hệ thống cơ sở dữ liệu, đảm bảo duy trì lâu dài, khai thác sử dụng dễ dàng, cho phép nâng cấp, mở rộng thuận tiện, đơn giản.
Trên cơ sở dữ liệu ban đầu do các đề tài thuộc Chương trình KCB-TS cung cấp, nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thu thập thông tin cần thiết của từng loài sinh vật với những yêu cầu được phê duyệt trong thuyết minh nhiệm vụ. Bộ cơ sở dữ liệu do nhiệm vụ tổng hợp, biên tập được gửi xin ý kiến thẩm định, góp ý của các chuyên gia có chuyên môn sâu trong cùng lĩnh vực.
Trên cơ sở cấu trúc, bố cục website đã xây dựng và được Hội đồng xét duyệt thuyết minh chấp nhận, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng và lập trình giao diện Atlas, báo cáo Thủ trưởng TTNĐ Việt- Nga thông qua mẫu giao diện chính cho Atlas như hình dưới đây.
Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã lựa chọn, chỉnh sửa, bổ sung, biên tập nội dung thông tin mô tả các loài sinh vật theo yêu cầu chung và biên dịch sang tiếng Anh gồm: (Tên khoa học - order name; Họ - Family name; Chi - Genus name; Loài - Species name; Tên thường gọi - Common name) và thông tin mô tả chi tiết (Hình ảnh, đặc điểm, nơi tìm thấy, mức độ nguy cấp, và các thông tin cần thiết khác); đối với những loài sinh vật chưa có thông tin mô tả mà chỉ có hình ảnh và tên loài, nhóm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm trên Internet và các tài liệu khác về thông tin mô tả các loài đó, sau đó biên dịch sang tiếng Việt (khoảng 200 loài). Việc chỉnh sửa các ảnh cũng được thực hiện để đảm bảo ảnh đẹp, thống nhất, dung lượng hợp lý khi đưa lên Atlas online. Đơn vị chủ trì nhiệm vụ tổng hợp Danh mục kèm theo thông tin đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu, gửi xin ý kiến Tổ chuyên gia thẩm định (do Trung tâm mời). Trên cơ sở ý kiến thẩm định, góp ý chỉnh sửa của Tổ chuyên gia cho nội dung thông tin mô tả các loài sinh vật, nhiệm vụ đã tiến hành rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện trước đưa khi thông tin lên Atlas. Tổng số loài được thẩm định là 426 loài, trong đó các loài sinh vật cạn gồm 223 loài (113 loài động vật, 110 loài thực vật), cá biển gồm 203 loài.
Sau khi website được hoàn thiện, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tải lên hosting của Trung tâm. Trong quá trình Atlas đi vào hoạt động chính thức, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện một số thử nghiệm và thống kê về website để có những số liệu nhằm tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tiếp theo.
Nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu dạng số trực tuyến trên mạng Internet (online atlas) các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam” đã hoàn thành nội dung, đáp ứng mục tiêu đăng ký trong thuyết minh nhiệm vụ. Kết quả nhiệm vụ đã thiết kế được chuyên trang Atlas Online đồng bộ với website Trung tâm, giao diện đẹp mắt, tiện lợi trong tra cứu và có tính bảo mật cao; giao diện tiếng Việt và tiếng Anh. Bộ cơ sở dữ liệu các loài sinh vật được TTNĐ Việt - Nga ghi nhận tại khu vực quần đảo Trường Sa trong Atlas là phiên bản đầu tiên tại Việt Nam, với đầy đủ thông tin cơ bản, tin cậy, có thể được cập nhật, chỉnh sửa, mở rộng và duy trì hoạt động lâu dài gắn với hoạt động của website TTNĐ Việt - Nga.
Trân trọng kính mời bạn đọc xem Atlas tại đây!
Bài viết liên quan