<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu về hệ sinh thái sông Mê Công trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và chịu tác động nhân sinh

28/12/2023

Sáng ngày 21 tháng 12 năm 2023 Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức buổi họp Hội đồng đánh giá giữa kỳ kết quả của đề tài thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2019-2024 do Uỷ ban phối hợp về TTNĐ Việt - Nga phê duyệt, mã số E-3.4 “Hệ sinh thái sông Mê Công trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và chịu tác động nhân sinh”; đề tài do Chi nhánh Phía Nam chủ trì, phối hợp với một số tổ chức KH&CN của Việt Nam và LB Nga thực hiện từ năm 2020; đồng chí TS. Cù Nguyên Định và VSTT. Tiunov A.V. là đồng chủ nhiệm. Buổi họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa 02 điểm cầu Cơ sở chính (Hà Nội) và Chi nhánh Phía Nam (TP. Hồ Chí Minh). 

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp; tham gia đánh giá có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học ở Chi nhánh Phía Nam. 

Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Đại tá, Tiến sĩ Cù Nguyên Định báo cáo trước Hội đồng về quá trình tổ chức thực hiện đề tài, những nội dung đã triển khai và kết quả chính của đề tài trong giai đoạn 2020 - 2022, trong đó tập trung vào 8 nội dung nghiên cứu chính gồm:
1. Nghiên cứu các yếu tố thủy văn và thủy hóa vùng hạ lưu sông Mê Công.
2. Nghiên cứu quần xã phiêu sinh (thực vật, vi khuẩn, vibrio, nguyên sinh động vật) vùng hạ lưu sông Mê Công.
3. Nghiên cứu các quần xã cá đáy, cận đáy và giáp xác 10 chân trong điều kiện biến đổi sinh thái.
4. Nghiên cứu hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước, bùn và trong các loài thủy sinh vật.
5. Biến động cấu trúc không gian quần thể cá của hệ sinh thái sông Mê Công như chỉ báo về biến đổi khí hậu toàn cầu.
6. Nghiên cứu ô nhiễm môi trường (nước, trầm tích đáy) bởi hydrocarbon dầu mỏ và sự tích tụ của chúng trong thủy sinh vật vùng đồng bằng sông Mê Công.
7. Nghiên cứu chỉ thị sinh học - đánh giá trạng thái phóng xạ của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Công.
8. Nghiên cứu đa dạng sinh học và phản ứng của các quần xã sinh vật trong đất thuộc các hệ sinh thái bãi bồi, ven bờ vùng hạ lưu sông Mê Công với sự thay đổi điều kiện môi trường sinh thái.
 

Kết quả được công bố trong 17 bài báo khoa học, trong đó có 14 bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, 2 bài trên các tạp chí thuộc danh mục RSCI và 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục thuộc VAK; 13 bài tham dự các hội nghị khoa học chuyên ngành có uy tín thuộc danh mục RSCI. 

      

Hình ảnh nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.

Sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết kết quả đề tài giai đoạn 2020 - 2022, đồng chí Chủ tịch Hội đồng đã kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo kế hoạch đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt, số lượng công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học chuyên ngành vượt chỉ tiêu đã đề ra. Hội đồng nhất trí đánh giá kết quả của đề tài trong giai đoạn 2020 - 2022 đạt yêu cầu đề ra và đề nghị nhóm thực hiện tiếp tục triển khai đề tài trong giai đoạn 2022 - 2024 theo hướng nghiên cứu đi sâu vào các vấn đề quan trọng, với mục đích đưa ra được những khuyến nghị về quản lý và bảo tồn hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp tục xây dựng đề cương nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo (2025 - 2029). 

Tin bài: Phòng Sinh thái nước (CNPN)