<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu kỹ thuật các hệ thống xử lý chất thải hữu cơ phát sinh tại đơn vị quân đội cấp Tiểu đoàn

05/01/2024

Ngày 02/01/2024, tại Trung đoàn 246/Sư đoàn 346/Quân khu 1, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức buổi họp Hội đồng nghiệm thu kỹ thuật các hệ thống xử lý chất thải hữu cơ được triển khai thử nghiệm thực tế tại đơn vị, đây là sản phẩm của đề tài KH&CN cấp Tổng cục Hậu cần: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ xử lý chất thải hữu cơ phát sinh tại đơn vị quân đội cấp Tiểu đoàn” do Phân viện Công nghệ sinh học/TTNĐ Việt - Nga là đơn vị chủ trì, đồng chí Thiếu tá, TS. Đặng Thị Hồng Phương là chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia buổi họp có các thành viên Hội đồng; đại diện Thủ trưởng cơ quan quản lý khoa học của các đơn vị: Tổng cục Hậu cần, Quân khu 1 và TTNĐ Việt - Nga; Chỉ huy Trung đoàn 246 và các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị; đơn vị chủ trì, nhóm thực hiện đề tài.

Khu vực thử nghiệm tại Trung đoàn BB246/Sư đoàn 346/Quân khu 1.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Thiếu tá, TS. Đặng Thị Hồng Phương báo cáo trước Hội đồng về quá trình tổ chức thực hiện xây dựng, lắp đặt các hạng mục của hệ thống và kết quả vận hành thử nghiệm. Hội đồng cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế công trình các hệ thống xử lý chất thải hữu cơ, bao gồm:

- Hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ làm phân compost có thể xử lý 300 kg rác/ngày, sử dụng chế phẩm vi sinh Bio.HC22 (là sản phẩm của đề tài) thời gian xử lý chỉ còn 30-40 ngày, rút ngắn một nửa thời gian so với phương pháp ủ thông thường. Phân sau ủ đảm bảo không còn vi sinh vật gây bệnh, hàm lượng hữu cơ đạt trên 20%. Sau 3 tháng vận hành, khối lượng phân compost thu được khoảng 5 tấn, cung cấp cho các vườn trồng rau của tiểu đoàn.

Hội đồng kiểm tra hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ làm phân compost.

- Hệ thống xử lý nước thải nhà bếp được thiết kế theo công nghệ AO cải tiến sử dụng khí oxy tự nhiên giúp tiết kiệm điện năng, được vận hành tự động với quy mô xử lý từ 20-25 m3/ngày đêm. Sau 3 tháng vận hành, hệ thống hoạt động ổn định, nước thải đầu ra đạt cột B QCVN 14:2008/BTNMT về chất lượng nước thải sinh hoạt.

Hội đồng kiểm tra hệ thống xử lý nước thải nhà bếp.

- Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi lợn của Tiểu đoàn quy mô 10 - 15 m3/ngày đêm xử lý thông qua 2 công đoạn: Xử lý qua bể xử lý sinh học kết hợp và bãi lọc trồng cây nhân tạo. Sau 3 tháng vận hành, hệ thống hoạt động ổn định, cây cỏ voi phát triển tốt, nước thải đầu ra đạt cột B QCVN 62:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi. Nước sau xử lý được sử dụng làm nước tưới cho hoạt động tăng gia trồng trọt tại đơn vị, tiết kiệm đáng kể nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt.

Hội đồng kiểm tra khu vực xử lý nước thải chăn nuôi lợn.

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo và kiểm tra thực tế việc vận hành các hệ thống, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cũng như các yêu cầu bổ sung hoàn thiện một số chi tiết nhỏ cho đề tài. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng kết luận: Các hệ thống được xây dựng, lắp đặt đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, hệ thống vận hành ổn định, chất thải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp tục theo dõi, hướng dẫn đơn vị trong quá trình vận hành các hệ thống.

Đại diện đơn vị sử dụng hệ thống, Trung đoàn BB 246 phát biểu khẳng định nhu cầu cấp thiết về xử lý chất thải hữu cơ tại đơn vị và triển khai nhân rộng mô hình với các Tiểu đoàn khác thuộc Quân khu 1 sau khi đề tài được nghiệm thu thông qua.

Kết quả của đề tài được thử nghiệm thực tế bước đầu cho hiệu quả rõ rệt, giúp đơn vị có thể tuần hoàn chất thải, tận dụng nước thải sau xử lý làm nước tưới cho cây trồng, giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ cho các vườn tăng gia của đơn vị.

Tin bài: Đặng Thị Hồng Phương (Phân viện CNSH)