<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Cò thìa: loài chim di cư quý hiếm tại Việt Nam

28/11/2023

Giống Cò thìa - Platalea là một giống trong các loài chim thuộc họ Cò quăm - Threskiornithidae. Theo các kết quả nghiên cứu về đa dạng thành phần loài chim trên thế giới, trong giống Cò thìa có 06 loài bao gồm: Cò thìa hồng - Platalea ajaja, Cò thìa mỏ vàng - Platalea flavipes, Cò mỏ thìa Châu Phi -  Platalea alba, Cò thìa Châu Âu - Platalea leucorodia, Cò thìa mặt đen - Platalea minor và Cò thìa mỏ đen - Platalea regia. Kết quả nghiên cứu năm 2023 về khu hệ chim vùng đất ngập nước khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng trong mùa chim di cư, Viện Sinh thái nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ghi nhận được 02 loài là Cò thìa mặt đen và Cò thìa Châu Âu tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Trong đó, Cò thìa mặt đen là loài chim rất quý, hiếm, được IUCN xếp vào cấp bảo tồn EN (nguy cấp) có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Loài Cò thìa Châu Âu là loài rất hiếm gặp với số lượng các thể di cư về Việt Nam rất ít.

Cò thìa mặt đen - Black-faced Spoonbill

Platalea minor (Temminck & Schlegel, 1849).

Là loài chim có kích thước lớn, cơ thể có chiều dài 74 cm. Chim trống và chim mái có cùng một kiểu hình. Chim trưởng thành ngoài mùa sinh sản cơ thể có bộ lông màu trắng, đỉnh đầu có bờm lông tạo thành mào ngắn. Mỏ dài hình thìa, màu xám chì có vằn đen ngang. Vùng da mặt màu đen, chân đen, mắt màu đỏ tối. Trong mùa sinh sản mào và phần lông vùng ngực chuyển sang màu vàng nhạt. Chim non phần lông ở đầu mút cánh đen, mỏ hồng nhạt, da mặt đen nhạt. Phạm vi phân bố sinh sản của loài nằm trong khu vực ven biển phía Đông Á. Đã ghi nhận các địa điểm trú đông chính tại Macau, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam. Tại Việt Nam, khu vực trú đông của loài tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng tại các sinh cảnh vùng ngập triều, ao nuôi trồng thủy sản. Rất hiếm gặp ở Trung Bộ và Nam Bộ. Là loài nằm trong danh lục của IUCN (2021) cấp độ bảo tồn EN, Sách đỏ Việt Nam (2007) cấp độ En. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu số lượng của quần thể ước tính chỉ còn 4000 cá thể và đang bị suy giảm do mất môi trường sống.

Cò thìa Châu Âu - Eurasian Spoonbill

Platalea leucorodia Linnaeu, 1758

Cò thìa Châu Âu có kích thước lớn hơn cò thìa mặt đen, cơ thể có chiều dài 86 cm. Chim trống và chim mái có cùng một kiểu hình. Chim trưởng thành ngoài mùa sinh sản cơ thể có bộ lông màu trắng, đỉnh đầu có bờm lông tạo thành mào ngắn. Mỏ dài hình thìa, màu đen với phần mút mỏ màu vàng. Khác cò thìa mặt đen vùng da mặt của Cò thìa Châu Âu màu trắng, có một dải đen nhỏ chạy từ mắt đến gốc mỏ. Trong mùa sinh sản mào và phần lông vùng ngực chuyển sang màu vàng nhạt, phần da dưới họng màu vàng cam. Chim non có phần lông ở đầu mút cánh đen, mỏ màu vàng hồng nhạt, họng màu tối. Khu vực sinh sản của loài ở vùng Bắc cực, mùa đông chúng di cư trú đông ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam trong những năm gần đây đã ghi nhận loài này tại vùng đồng bằng sông Hồng ở các sinh cảnh vùng ngập triều, ao nuôi trồng thủy sản. Loài nằm trong danh lục của IUCN (2021) cấp độ bảo tồn LC.

Một số hình ảnh Cò thìa mặt đen và Cò thìa Châu Âu tại VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định

Cò Thìa mặt đen - Black-faced Spoonbill (VQG Xuân Thủy, 11/2023).

Cò Thìa mặt đen - Black-faced Spoonbill (VQG Xuân Thủy, 11/2023).

Cò thìa mặt đen (trái) và Cò thìa Châu Âu (VQG Xuân Thủy, 11/2023).

Cò thìa Châu Âu - Eurasian Spoonbill (VQG Xuân Thủy, 11/2023).

Bài và ảnh: Phạm Hồng Phương, Viện Sinh thái nhiệt đới