<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Thêm một loài Thằn lằn mù mới thuộc họ Dibamidae được mô tả tại Việt Nam

05/02/2024

Tiếp tục nghiên cứu các mẫu vật được thu thập từ đợt khảo sát thực địa vào tháng 3 năm 2023 của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia của Việt Nam và Liên bang Nga đã mô tả thêm một loài Thằn lằn mù mới cho khoa học thuộc giống Dibamus, đây là loài thứ 8 của giống Dibamus được ghi nhận ở Việt Nam. Loài mới có tên là Dibamus deimontis, tên loài được đặt theo tên của địa danh nơi phát hiện (trong tiếng latin “deimontis” có nghĩa là “núi Chúa”). Cùng với loài Dibamus tropcentr, đây là hai loài bò sát mới nhất được mô tả ở VQG Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.

Đặc điểm hình thái của loài D. deimontis (mẫu sống).

Loài D. deimontis được phân biệt với các loài khác trong cùng giống bằng sự kết hợp các đặc điểm hình thái bao gồm các đường rãnh môi, môi và mũi bị khuyết; 3 - 5 vảy ở mép sau của môi dưới; 22 - 25 hàng vảy ở giữa thân; 193 - 225 vảy bụng; 47 - 55 vảy dưới đuôi; 115 đốt sống lưng và 27 đốt sống đuôi; chiều dài mõm tối đa là 136,2 mm.

Đặc điểm vảy đầu của D. deimontis.

Khác với loài D. tropcentr được phát hiện ở sinh cảnh rừng thường xanh khô ven biển vùng đất thấp (độ cao 200 - 300 m so với mực nước biển), loài D. deimontis được tìm thấy ở sinh cảnh rừng thường xanh ẩm trên núi, gần đỉnh núi Chúa (độ cao 670 - 700 m so với mực nước biển). Mặc dù nhóm nghiên cứu đã chú trọng tìm kiếm ở các đai độ cao khác nhưng không có phát hiện thêm cá thể nào của giống Dibamus. Để có thể xác định chính xác phạm vi phân bố của các loài này cần thiết phải có các nghiên cứu sâu hơn, tuy nhiên bước đầu có thể khẳng định vùng phân bố của chúng hoàn toàn không trùng lặp.

Sự gần gũi về mặt địa lý của loài D. deimontisD. tropcentr là một điều rất đáng chú ý vì cho đến nay chưa có báo cáo nào cho thấy có các loài thuộc giống Dibamus có cùng khu vực địa lý. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy các loài của họ Dibamidae có đặc điểm chung là loài đặc hữu hẹp. Do đó rất có thể loài hai loài này có chỉ phân bố giới hạn ở các sinh cảnh được phát hiện.

Mặc dù đặc điểm phân bố thực tế của loài D. deimontis và loài D. tropcentr chưa thật sự rõ ràng nhưng sự phát hiện loài D. deimontis đã cung cấp cho chúng ta thêm bằng chứng cho sự đa dạng về các loài động vật của VQG Núi Chúa. Đồng thời nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Việt Nam với vai trò là trung tâm đa dạng của các loài bò sát đặc hữu Đông Nam Á.

Tương tự như loài D. tropcentr, căn cứ vào các thông tin thu thập trên thực địa cũng như Tiêu chuẩn và Khuyến nghị của IUCN 2019, nhóm nghiên cứu đề xuất D. deimontis là loài sắp nguy cấp (VU) theo danh mục Danh sách đỏ của IUCN.

Sinh cảnh sống của loài D. deimontis.

Nguồn tài liệu: Nikita S. Kliukin, Andrey M. Bragin, Tan Van Nguyen, Son Xuan Le, Tin Trong Vo Tran, Vladislav A. Gorin & Nikolay A. Poyarkov (2024). “Another new species of Dibamus Duméril & Bibron, 1839 (Squamata: Dibamidae) from Nui Chua National Park, Ninh Thuan Province, Vietnam”, Zootaxa 5406 (1): 087-104.

Tác giả: Lê Xuân Sơn (Viện Sinh thái nhiệt đới)