TextBody

Giới thiệu cuốn sách "Bách khoa toàn thư về Hoá học động cơ"

13/12/2024

Hoá học động cơ là một lĩnh vực khoa học ứng dụng quan trọng, có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với nhu cầu nâng cao hiệu suất và độ bền của các loại động cơ. Lĩnh vực này chính thức được định hình vào năm 1964, khi nhà khoa học Konstantin Karlovich Papok (1908-1977) công bố bài báo "Sử dụng hợp lý nhiên liệu và dầu - điều kiện quan trọng nhất để tăng tuổi thọ động cơ" (Rational use of fuels and lube oils - the most important condition of increasing engine life) trên tạp chí Hoá học và Công nghệ Nhiên liệu và Dầu (Chemistry and Technology of Fuels and Oils). Trong bài báo, ông lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ "Hoá học động cơ" ("Сhemmotology") định nghĩa và xác lập các nhiệm vụ chính của ngành khoa học mới mẻ này.

Hóa học động cơ ra đời từ sự giao thoa giữa hóa học, vật lý, cơ khí, nhiệt động lực học, kinh tế học và sinh thái học, được thúc đẩy bởi sự phát triển của động cơ đốt trong và các cơ cấu liên quan. Điều này đặt ra nhiều thách thức kỹ thuật và khoa học trong việc lựa chọn, sử dụng nhiên liệu và chất bôi trơn. Cấu trúc động cơ ngày càng phức tạp, công suất và nhiệt độ tăng cao đòi hỏi nhiên liệu, chất bôi trơn, và chất lỏng chuyên dùng phải cải tiến về chất lượng, dẫn đến nhu cầu phát triển các sản phẩm mới, đồng thời đặt ra các vấn đề công nghệ và tài nguyên cho ngành lọc dầu và hóa chất. Vấn đề đảm bảo độ tin cậy của động cơ trong điều kiện vận hành khắc nghiệt ngày càng phức tạp. Những thách thức này không chỉ xuất hiện ở động cơ đốt trong mà còn ở động cơ tuabin khí, tuabin hơi nước, động cơ tên lửa, và các cơ cấu khác. Cấu trúc của máy móc, chất lượng nhiên liệu, chất bôi trơn được sử dụng và độ tin cậy khi vận hành thiết bị tạo thành một hệ thống thống nhất, trong đó mỗi mắt xích có đặc điểm riêng, tác động lên các mắt xích liền kề và chính nó lại phụ thuộc nhiều vào chúng. Mối quan hệ và tương tác giữa cấu trúc máy móc, nhiên liệu, và chất bôi trơn và độ tin cậy khi vận hành máy móc là trọng tâm nghiên cứu của hóa học động cơ. Đây là lĩnh vực duy nhất chuyên nghiên cứu tác động của tính chất nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng đến hiệu suất, hiệu quả kinh tế và độ tin cậy của máy móc.

Đối tượng nghiên cứu chính của hoá học động cơ là các tính chất vận hành của nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng (khả năng trao đổi nhiệt, khả năng bay hơi, khả năng bắt lửa, khả năng cháy, khả năng hình thành cặn, khả năng tương thích kết cấu, khả năng bôi trơn và làm mát, tính chất bảo vệ, tính bảo quản, tính an toàn, v.v.). Các đặc tính này, thể hiện trong quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng, đặt ra những yêu cầu cụ thể dưới dạng các giá trị giới hạn cho phép của các tính chất hoá lý, là yếu tố cấu thành tính chất vận hành của nhiên liệu, dầu, chất bôi trơn, chất lỏng chuyên dùng và vật liệu bảo quản tương ứng.

Sự phát triển của hoá học động cơ đòi hỏi một nguồn tư liệu hệ thống, nhằm giúp các nhà nghiên cứu, kỹ sư và sinh viên chuyên ngành tiếp cận thông tin một cách toàn diện. Cuốn sách Bách khoa toàn thư về hoá học động cơ bằng tiếng Nga (Энциклопедия химмотологии) được biên soạn với mục tiêu đó. Tác phẩm tổng hợp khối lượng tri thức khổng lồ tích luỹ qua hàng thập kỷ nghiên cứu, dựa trên hàng trăm tài liệu tham khảo cùng các tiêu chuẩn và hướng dẫn ngành. Cuốn sách Bách khoa toàn thư về hoá học động cơ bao gồm 2063 mục từ, 297 bảng, 311 chỉ dẫn và 177 tài liệu tham khảo.

Cuốn Bách khoa toàn thư về hoá học động cơ của các tác giả Grishin N.N. và Sereda V.V.

Bách khoa toàn thư về hoá học động cơ được biên soạn bởi hai tác giả Grishin N.N. và Sereda V.V. Các tác giả đều là giáo sư, tiến sĩ khoa học đã làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học quốc gia số 25 về nhiên liệu và dầu mỡ/Bộ Quốc phòng Nga trong thời gian dài. Các ông là tác giả của hơn 200 ấn phẩm khoa học khác nhau.

Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã cấu trúc nội dung của cuốn bách khoa toàn thư một cách khoa học, đã đề cập rõ các nhiệm vụ của hoá học động cơ. Thứ nhất là tối ưu hoá chất lượng nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng, đảm bảo rằng chúng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thiết bị. Thứ hai là nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng trong điều kiện vận hành. Thứ ba là phát triển và hoàn thiện các phương pháp đánh giá tính chất vận hành của nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng.

Nhiệm vụ chính của cuốn sách Bách khoa toàn thư về hoá học động cơ là hệ thống tri thức tích lũy thông qua việc trình bày các khái niệm, thuật ngữ và định nghĩa được xác định trong các tài liệu tiêu chuẩn, cũng như mô tả về các đối tượng, hiện tượng và quy trình trong lĩnh vực hoá học động cơ, đã công bố trong các tài liệu kỹ thuật. Đồng thời, cấu trúc chúng theo khuôn khổ của đối tượng nghiên cứu chính - các tính chất vận hành của nhiên liệu, dầu bôi trơn, chất bôi trơn, chất lỏng chuyên dùng và vật liệu bảo quản. Bách khoa toàn thư cung cấp thông tin tổng quan về thành phần, ứng dụng, phân loại của các nhóm nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng. Ngoài ra, các nguyên tắc chung về công nghệ sản xuất, tính chất vận hành và tính chất hoá lý, chỉ tiêu chất lượng và phương pháp đánh giá chất lượng cho từng loại nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng cơ bản cũng được trình bày. Thêm vào đó là thông tin về các loại động cơ (phần lớn là động cơ đốt trong) và hệ thống đảm bảo hoạt động của chúng, các quá trình xảy ra tại các điểm tiếp xúc ma sát và thiết bị trong điều kiện vận hành của máy móc và cơ cấu, cũng như trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, bơm và nạp nhiên liệu cho các phương tiện sử dụng nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng. Sách cũng bao gồm thông tin tổng quan về tiêu chuẩn hoá, chứng nhận, hệ thống kiểm soát chất lượng, và các khía cạnh khác như đo lường, đồng bộ hoá, chuẩn hoá, thay thế, tương thích, tái tạo và xử lý của nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng. Trong cuốn bách khoa toàn thư cũng bao gồm một số thuật ngữ và khái niệm về vật lý, hoá học, hoá dầu, nhiệt động lực học, cơ khí, sinh thái và các ngành khoa học khác được sử dụng để mô tả bản chất và cơ chế của các quá trình xảy ra trong hệ thống hoá học động cơ.

Cuốn Bách khoa toàn thư này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về các loại nhiên liệu, chất bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng, mà còn giải thích tường tận về các quy trình hoá học và cơ học xảy ra trong động cơ, cùng với các yêu cầu tiêu chuẩn hoá và phương pháp kiểm soát chất lượng hiện đại. Đây là tài liệu quý báu không chỉ cho các chuyên gia kỹ thuật mà còn cho các giảng viên, sinh viên, và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến hoá học, cơ khí và năng lượng.

Tin bài: Lê Quốc Phẩm (Viện Độ bền nhiệt đới)