Những người "trồng rừng" dưới đáy biển

04/07/2022

Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng bậc nhất thế giới với hơn 350 loài, chiếm hơn 40% số loài san hô trên thế giới, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tới chiêm ngưỡng. Các rạn san hô được ví như rừng nhiệt đới dưới lòng đại dương, là nơi cư trú của 25% các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự đa dạng của sinh học và số lượng quần thể san hô ở Vịnh Nha Trang đang suy giảm nhanh chóng bởi các yếu tố khách quan cũng như hoạt động của con người.

Theo chân các nhà khoa học của Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, phóng viên Báo Quân đội nhân dân được tận mắt chứng kiến và ghi lại công việc khó khăn, vất vả của các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga trong quá trình tìm kiếm, đánh số, lấy mẫu bảo tồn, nuôi cấy và phục hồi các loài san hô, các loài sinh vật biển trong Vịnh Nha Trang.

PV BAN ẢNH-CTV (thực hiện)

Người "trồng rừng" dưới đáy biển.

Rạn san hô-cấu trúc đa dạng bậc nhất của đại dương và là ngôi nhà chung của hàng ngàn loài sinh vật biển. Trong ảnh: Một quần thể san hô trong Vịnh Nha Trang.

Khi bắt đầu công việc, các chuyên gia của Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga luôn có sự chuẩn bị rất kĩ càng bởi lặn biển là công việc nguy hiểm và ngoài các trang bị lặn, họ còn mang theo nhiều thiết bị để ghi hình, đánh số và theo dõi các quần thể san hô.

Quá trình lặn nhiều giờ đồng hồ, tìm kiếm từng mét vuông dưới đáy biển đòi hỏi sự kiên trì, tâm lý vững vàng và thể lực tốt.
Mỗi khi tìm được một quần thể san hô hay hải quỳ, các nhà khoa học sẽ đóng cọc, đánh số, chụp ảnh và ghi vị trí trên hệ thống định vị.

Các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga trao đổi về vị trí của các sinh vật.

Bàn tay "héo" vì nước biển sau mỗi chuyến lặn. Mỗi lần lặn thường kéo dài 2,5 tới 3 giờ tùy điều kiện, trung bình các chuyên gia thực hiện lặn từ 2-3 chuyến/ngày, nhiều chuyến phải thực hiện vào ban đêm mới có thể tiếp cận được các loài sinh vật biển.

Bữa trưa vội vàng với bánh mì và nước trước khi trở lại công việc dưới đáy biển của các nhà khoa học.

Không chỉ lặn tìm kiếm các rạn san hô, các cá thể sinh vật biển, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã nuôi cấy thành công san hô trong môi trường biển từ đó làm cơ sở để nhân rộng, bảo tồn và phục hồi các rạn san hô, các loài san hô quý hiếm.

Cấy giá thể san hô lên giá là công việc thường xuyên của những người "trồng rừng" dưới đáy biển để thực hiện được nhiệm vụ, các nhà khoa học của Chi nhánh ven biển đều phải có chứng chỉ lặn quốc tế và có kinh nghiệm nhiều giờ lặn biển.

Sau khi trồng, kích thước các cá thể san hô được theo dõi, kiểm tra thường xuyên nhằm đánh giá sự phát triển.

Có san hô, cá và các loài sinh vật biển cũng trở lại sinh sống làm tăng sự đa dạng sinh học và góp phần "hồi sinh" những vùng biển.

Theo qdnd.vn